Ghi nhận của PV Báo Giao thông chiều tối 9/10, mưa lớn, nước lũ dâng cao trở lại đã khiến tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh đoạn Km 656 phía Bắc ga Phò Trạch, thuộc địa phận xã Phong Thu (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang bị ngập sâu. Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua 2 tỉnh Thừa Thiên Huế đang tạm thời bị gián đoạn.
Đáng chú ý, đoạn đường sắt Bắc Nam bị ngập sâu tại Km 656 vào tối 8/10 đã bị nước ngập đến thân ray, nền đá bị trôi đến tà vẹt với độ sâu khoảng 3,5m, rộng gần 4m làm ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu, lập tức đã được các lực lượng chức năng phong tỏa để phối hợp khắc phục.
Đồng thời, tàu SE2 trên hành trình từ Nam ra Bắc phải dừng tại ga Phò Trạch (thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), chuyển tải 270 hành khách bằng ô tô ra ga Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) và đón khoảng 300 hành khách từ ga Mỹ Chánh vào ga Huế tiếp tục hành trình ngay trong đêm.
Hàng chục cán bộ, công nhân cùng thiết bị máy móc được huy động vận chuyển đá đến khẩn trương gia cố. Máy phát điện cũng được huy động đến hiện trường để đội sửa chữa xếp rọ đá tiếp gia cố đoạn đường sắt bị hư hỏng do mưa lũ.
Đến 3h45 sáng 9/10, đường sắt đoạn qua Km 656 tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế cơ bản được sửa chữa khắc phục xong, thông tàu 5km/h.
Đến hơn 8h sáng cùng ngày (9/10), mực nước tại đoạn đường sắt Bắc - Nam trên đã rút xuống, nhưng vẫn còn khá cao và trời tiếp tục mưa to. Các đoàn tàu lưu thông qua đoạn này với vận tốc 5km/h. Hàng chục cán bộ, công nhân Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên vẫn đang tiếp tục khẩn trương khắc phục vị trí đường sắt này để đảm bảo tốc độ lưu thông trên tuyến.
Tuy nhiên, khoảng từ 13h chiều 9/10, đường sắt Bắc Nam qua đoạn này đã bị nước lũ dâng cao trở lại và đến chiều tối cùng ngày vẫn đang bị ngập sâu.
Trong ngày 9/10, tại tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị trời mưa to. Nhiều tuyến đường, khu dân cư vẫn đang bị nước lũ “bủa vây”, nhiều nơi bị ngập sâu.
Tại huyện Hải Lăng, nước lũ dâng cao khiến nhiều nhà dân bên QL1 ngập gần nửa nhà. Tuyến đường từ QL1 vào làng Thượng Lâm (xã Hải Lâm) bị nước lũ dâng cao gây chia cắt giao thông. Nhiều nhà dân tại đây đang bị ngập sâu, đến hơn 17h cùng ngày, lực lượng chức năng vẫn đang điều ca nô vào ứng cứu, di dời dân ra nơi an toàn.
Nhiều tuyến đường trung tâm tại thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng cũng đang bị ngập khá sâu.
Quảng Trị: 15.000 ngôi nhà bị ngập và hư hỏng, 2 người chết
Ngày 9/10, PV Báo Giao thông có mặt tại xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, Quảng Trị), đây là một trong những địa phương bị ngập nặng nhất trong cơn cuồng nộ của mẹ thiên nhiên. Dọc đường đi, mưa trút nước không ngớt, hàng ngàn nhà dân vùng thấp trũng ven sông Hiếu cũng bị con nước bao vây tứ bề.
Nhiều vùng bị ngập sâu như thôn Bích Giang (xã Cam Hiếu), thôn Tam Hiệp (xã Cam Thủy), thôn Quật Xá, Tân Mỹ (xã Cam Thành) và vùng ven sông Hiếu thị trấn Cam Lộ.
Ngước đôi mắt bơ phờ chằng chịt vết chân chim về kho lúa ướt sũng, ông Trần Viết Long (59 tuổi, trú tại thôn Bình Mỹ, Cam Tuyền) run giọng nói: “3 tạ lúa tích trữ bị ngâm trong nước, lên mộng thì coi như vứt đi cháu ơi”. Ông Long rầu rĩ kể lại rằng,vào chiều ngày 7/10, mưa xối xả trắng trời và nước bắt đầu dâng lên đột ngột, cả gia đình ông hô hoán nhau di chuyển đồ đạc kê lên chỗ cao hơn nhưng nhiều vật dụng vận chuyển không kịp nên bị ướt. Chỉ trong một đêm, cả thôn Bình Mỹ quê ông như chìm trong biển nước trắng xoá, nhà ông Long thuộc diện cao nhất xóm cũng bị ngập đến gần 2m.
“Gia đình chú có 7 người thì đều leo lên gác lửng vẻn vẹn 6m2 để trú ngụ, điện thì mất, cả nhà nhịn đói nguyên một ngày vì chưa kịp tích trữ lương thực, chỉ còn chút nước sôi để dành pha mỳ tôm cho 2 đứa cháu nhỏ. Sau đó, phía chính quyền chạy canô qua tiếp tế cho cơm và mỳ tôm”, ông Long chia sẻ.
Ông Trần Viết Long nói rằng, hơn 30 năm qua, chưa bao giờ ông thấy cảnh lũ nào kinh hoàng như thế. Ngoài 3 tạ lúa bị ngâm nước, nhiều diện tích sắn, mướp bị nhấn chìm thì hơn 40 con gà, vịt của gia đình cũng bị con nước cuốn trôi.
Đi dọc tuyến đường thôn Bình Mỹ ngập nước lênh láng, chúng tôi chỉ còn thấy một vài vùng cây sắn nhấp nhô giữa mênh mông biển nước. Đến thôn Ba Thung (xã Cam Tuyền), chúng tôi bắt gặp anh Trần Vĩnh Thành (SN 1982, trú tại thôn Ba Thung) đang lúi húi cào lớp bùn dày khoảng 10cm ra khỏi nhà.
Anh Thành nói rằng, đợt mưa lớn kéo dài mấy ngày qua khiến anh đêm nào cũng gần như thức trắng. Vào chiều tối ngày 7/10, nước bắt đầu dâng, anh kê dọn đồ đạc lên cao rồi gấp rút đưa vợ con đến tá túc nhà người thân. Chẳng mấy chốc con nước bủa vây căn nhà cấp 4 lên tận 2m, 8 sào sắn chưa kịp thu hoạch của gia đình anh cũng bị nhấn chìm, coi như mất trắng.
“Tranh thủ nước rút chút ít, tôi về kiểm tra, thu dọn đồ đạc. Bây giờ nước dâng lên lại rồi, bà con khổ quá”, anh Thành nói với giọng buồn thiu.
Không chỉ riêng huyện Cam Lộ, từ chiều tối ngày 7/10 đến nay, mưa lớn kéo theo nước ở thượng nguồn đổ về, dâng cao khiến nhiều khu vực trong tỉnh nghèo Quảng Trị bị ngập lụt, hệ thống giao thông chia cắt cục bộ, đã có 2 người chết và 6 người mất tích do mưa lũ. Tỉnh này đã triển khai sơ tán 4.547 hộ dân với gần 15.600 người đến các khu vực an toàn.
Các xã Tân Thành, Tân Long, Thuận, Thanh, Hướng Phùng, Hướng Việt và thị Trấn Lao Bão thuộc huyện Hướng Hoá bị ngập lụt, chia cắt cục bộ. Đường vào trung tâm xã Hướng Linh bị sạt lỡ 2 điểm thuộc địa phận xã Hướng Tân, hiện các loại phương tiện không qua lại được.
Tại huyện miền núi Đakrông, tuyến đường 588 bị ngập sâu, chia cắt nhiều điểm ở xã Triệu Nguyên, Ba Lòng, Mò Ó. Đường vào trung tâm xã A Vao, Ba Nang cũng bị chia cắt nhiều vị trí như cầu Đá đỏ, Ra Lây,Tà Rẹc. Mưa lũ gây ngập lụt thôn Đá Nỗi xã Ba Lòng và một số vị trí của thôn Na Nẫm xã Triệu Nguyên. Một số tuyến đường liên thôn A Bung xã A Bung - thôn A Rồng trên xã A Ngo, đường nội thôn Gia Giã xã Hướng Hiệp, nội thôn Húc Nghì xã Húc Nghì, thôn Ly Tôn xã Tà Long bị chia cắt do các tràn và ngầm tràn mực nước ngập sâu 1-2m.
Riêng huyện Vĩnh Linh, thôn Hiền Lương (xã Hiền Thành), thôn Gia Phúc Gia Lâm (xã Vĩnh Long), thôn Huỳnh Thượng, Huỳnh Hạ (xã Vĩnh Sơn), thôn Quảng Xá (xã Vĩnh Lâm) bị ngập. Các xã Trung Giang, Trung Hải, Trung Sơn, Gio Mai, Gio Việt, Linh Trường, Hải Thái và thị trấn Cửa Việt thuộc huyện Gio Linh cũng bị ngập. Huyện Hải Lăng, Triệu Phong, thành phố Đông Hà đều bị ngập lụt trên diện rộng.
Cũng trong ngày 9/10, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cùng đoàn công tác của tỉnh này tiếp tục có mặt tại các vùng bị ngập lụt nặng trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo các lực lượng giúp đỡ nhân dân ứng phó với mưa lũ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo huy động các lực lượng để di dời, sơ tán người dân từ vùng ngập sâu, ngập nặng đến nơi an toàn; những vùng bị chia cắt thì phải đảm bảo tiếp tế lương thực thực phẩm và thuốc men cho bà con. Ông Đồng cho biết, hiện tỉnh này có 15.000 ngôi nhà bị ngập nước và hư hỏng, 33 người bị nạn trên biển hiện đã ứng cứu được 8 người, 6 ng mất tích và 2 người tử vong.
“UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các ban ngành, đơn vị, lực lượng cứu nạn, cứu hộ khẩn trương, tích cực tìm kiếm những người mất tích, bị nạn. Tỉnh cũng đề nghị lực lượng hải quân và kiểm ngư của các tỉnh bạn hỗ trợ thêm”, ông Đồng thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận