Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua hôm 12.6 với 86,86% số phiếu tán thành - Ảnh: Nhật Bắc |
1. Ngày 12/6, với 86,86% số phiếu tán thành, Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019. Trước đó, dư luận và mạng xã hội đã có những ý kiến khác nhau về dự luật này. Một số ý kiến còn cho rằng nếu luật được thực thi sẽ “đóng cửa” quyền tự do trên không gian mạng.
Trước hết, bàn đến yếu tố nhà cung cấp dịch vụ. Luật mới yêu cầu các hãng công nghệ tin học nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam phải đặt máy chủ trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là quy định không phải cá biệt trong các luật về an ninh mạng trên thế giới. Có người cho rằng, quy định này sẽ khiến Google, Facebook rút lui khỏi thị trường tại Việt Nam. Trong khi đó, ít người biết rằng doanh thu của Google, Facebook tại Việt Nam trong năm 2016 đã vượt con số hàng nghìn tỷ đồng. Việt Nam có 55 triệu tài khoản trên mạng xã hội Facebook. Thử hỏi với số lượng người dùng đang đứng thứ 7 trên thế giới, liệu Facebook sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam hay sẵn sàng đặt máy chủ theo đúng Luật An ninh mạng yêu cầu? Hơn thế, bản thân Facebook cũng có cam kết với người sử dụng đồng ý cung cấp các thông tin liên quan khi có lệnh của chính quyền.
Luật An ninh mạng không cấm người tham gia mạng xã hội lên tiếng, có điều những người sử dụng mạng xã hội phải luôn tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật. Họ hoàn toàn có thể bày tỏ tự do chính kiến, quan điểm của cá nhân; nhưng không được lợi dụng điều đó để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, kích động lôi kéo gây rối, bôi nhọ xúc phạm danh dự người khác...
Tuy nhiên, các ý kiến phản biện không phải không có cơ sở khi cho rằng có nhiều điều luật cụ thể của Luật An ninh mạng còn quá chung chung, có thể hiểu theo nhiều hướng khác nhau nếu chính quyền muốn “áp tội” vào tổ chức, cá nhân nào đó. Điều này, trong quá trình xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn, các cơ quan thi hành pháp luật cần lắng nghe ý kiến chuyên gia, người dân và các tổ chức xã hội để tiếp thu hợp lý.
Ví như, trong quy định về xử lý thông tin “kích động tụ tập đông người gây rối an ninh trên không gian mạng”, Nghị định hướng dẫn cần cụ thể về mức độ vi phạm để có các biện pháp xử lý, tránh lạm quyền. Chế tài như “tạm đình chỉ, rút giấy phép hoạt động của trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử đăng tải thông tin” cần có phán quyết có hiệu lực của Toà án đối với trường hợp này.
Nếu yêu cầu các nhà mạng phải cung cấp thông tin người dùng mà không cần lệnh từ cơ quan điều tra hay toà án thì sẽ khiến nhà mạng phá vỡ cam kết bảo mật thông tin với khách hàng.
Đặc biệt, cần phải có hành lang pháp lý cho lực lượng chuyên trách an ninh mạng, để không được tuỳ tiện đánh giá cảm tính.
2. Luật An ninh mạng cần thiết cho bất kỳ một quốc gia nào, nhất là trong thời kỳ bùng nổ thông tin toàn cầu. Tuy nhiên, việc một số khái niệm có độ bao trùm, rất rộng, một số thuật ngữ, điều khoản có nội hàm và ngoại diên rất rộng trong luật đã khiến người dân phản ứng bởi nếu xét ở một góc độ nào đó, rất có thể họ sẽ trở thành “người bất đồng chính kiến, người xuyên tạc lịch sử, danh nhân” trong khi bản thân hoàn toàn không có ý định. Trong khi đó, một trong những mục đích ban lành luật là bảo vệ người dân trong việc tham gia không gian mạng.
Trong kỳ họp Quốc hội lần này, hai dự luật về “đặc khu’’ và An ninh mạng đã thu hút rất nhiều ý kiến cử tri. Có thể nói, hiếm có dự luật nào nhận được nhiều ý kiến phản biện của nhiều giới, nhiều tầng lớp công chúng như vậy. Điều đó cho thấy, trong quá trình soạn thảo các dự án luật, các nhà làm luật cần xây dựng cơ chế kế hoạch truyền thông chính sách, để trước khi các dự luật được trình, công chúng đã được giải thích, được tham gia tranh luận, phản biện giúp dự án luật hoàn thiện và hợp lý hơn.
Đây là bài học để ngay cả khi Luật An ninh mạng đã được Quốc hội phê chuẩn, thì việc xây dựng, ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành xử phạt, Thông tư hướng dẫn cũng cần có sự chuẩn bị cẩn trọng, tuyên truyền, giải thích cho công chúng kỹ càng hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận