Thời sự

Luật Báo chí (sửa đổi): Sẽ điều chỉnh cả trang tin điện tử

03/03/2016, 13:37

Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của các trang tin điện tử, nếu không đưa vào luật sẽ tạo ra nhiều lỗ hổng,

22
Luật Báo chí (sửa đổi): Sẽ điều chỉnh cả trang tin điện tử - Ảnh minh họa

Đó là quan điểm của GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội khi trao đổi với Báo Giao thông về việc nên hay không đưa các trang tin điện tử vào diện quản lý trong Luật Báo chí (sửa đổi), dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới đây.

Quyền hiến định không thể cấm bằng Nghị định

Trước đó, khi phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), bản báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo lưu quan điểm không đưa các trang tin điện tử, trang mạng xã hội vào quản lý trong Luật Báo chí. Tuy nhiên, ngay sau đó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã không đồng tình và cho rằng, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin là quyền dân chủ và chỉ bị hạn chế bằng luật nên để nghị định cấm không được. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, quyền tự do ngôn luận là quyền hiến định. Vì vậy, định cấm cái gì thì đưa vào luật, chứ để trong nghị định là không được.

Trao đổi với Báo Giao thông về quan điểm của cơ quan soạn thảo sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, Ban soạn thảo sẽ có tiếp thu và điều chỉnh dự thảo Luật hợp lý theo hướng mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gợi mở.

Trao đổi với PV, GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự thảo luật cho biết, sau khi trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, Thường vụ đã có ý kiến về việc này nên sẽ có điều chỉnh phù hợp. GS. Đào Trọng Thi cho rằng, không những trang tin điện tử tổng hợp mà ngay cả trang mạng xã hội cũng phải đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật này. “Cấm hay hạn chế các quyền về tự do báo chí, tự do ngôn luận lại phải do luật quy định. Nếu không sẽ “vênh” với quy định trong Hiến pháp. “Quan điểm của chúng tôi là muốn tách thành hai luật, một luật quản lý báo chí, còn một luật quản lý trang tin điện tử, mạng xã hội. Nhưng điều kiện hiện nay chưa cho phép nên tạm thời sẽ phải có điều chỉnh trong Luật Báo chí. Trước mắt phải chấp nhận Luật Báo chí sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh cho cả thông tin có tính chất giống như báo chí ở các trang tin điện tử, các trang mạng xã hội”, ông Thi nói.

Khó quản lý được mạng xã hội

Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, việc đưa các trang tin điện tử vào Luật Báo chí để quản lý là cần thiết, vì trang tin điện tử của các tổ chức, cơ quan cũng có giấy phép của Bộ TT&TT, đồng thời các trang này cũng hoạt động mang tính chất báo chí. Hơn nữa, nếu đưa các trang điện tử vào luật, chúng ta có thể đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của báo chí, đảm bảo quyền cạnh tranh bình đẳng giữa báo chí với các trang tin điện tử. Vì thực tế lâu nay trên các trang tin điện tử dẫn lại các tin bài của báo chí, có trường hợp xin phép, có trường hợp không xin phép.

Tuy nhiên, ông Thuyết cũng cho rằng không nên đưa các trang mạng xã hội vào luật, ít nhất là trong thời gian này. “Nếu đưa vào chúng ta cũng không quản lý nổi, vì số tài khoản mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân là rất lớn. Tôi được biết riêng tài khoản trên facebook đã có khoảng 60 triệu, trong đó có 45 triệu tài khoản hoạt động thường xuyên. Đó là chưa kể các mạng xã hội khác”, ông Thuyết dẫn chứng và cho rằng, người dùng không sử dụng tên thật, nhiều trang đặt ở nước ngoài, quản lý ở nước ngoài nên ngoài tầm với của cơ quan quản lý. Đương nhiên các trang này cần quản lý nhưng phải tìm cách quản lý khác, bằng luật khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.