100% công trình quảng cáo ở Hà Nội đang vi phạm nếu chiếu theo quy định của Luật Quảng cáo, Luật Xây dựng và Luật Đất đai - Ảnh: K.Linh |
100% công trình quảng cáo sai phạm vì luật... “trời ơi”
Tại Chương trình lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện pháp luật về đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng ngày 13/12, ông Trần Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết, đang có hàng loạt bất cập mà các doanh nghiệp trong ngành này phải âm thầm chịu đựng. Cụ thể, từ khi có Luật Xây dựng, hoạt động quảng cáo, nhất là quảng cáo ngoài trời, bị “ách tắc” khi phải xin cấp phép xây dựng công trình quảng cáo bên cạnh các quy định về đất đai và quy hoạch. “Nếu làm đúng, chiếu theo các quy định của Luật Quảng cáo, Luật Xây dựng và Luật Đất đai thì hầu hết các công trình quảng cáo đang vi phạm, thậm chí tại Hà Nội 100% công trình quảng cáo vi phạm. Nhưng người ta vẫn phải làm, vẫn làm chui, vẫn “bôi trơn” vì vẫn phải sống”, ông Hùng nói và nêu ví dụ: “Với biển quảng cáo 3m2 phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Khi xin phê duyệt thì ai là người ký duyệt? Hay muốn làm quảng cáo thì phải có ý kiến đồng ý của ngành văn hóa bằng văn bản, sau đó mang văn bản này sang xin giấy phép xây dựng. Nhưng ngành văn hóa lại yêu cầu phải có giấy phép xây dựng trước thì mới duyệt. Cái này giống như chuyện con gà - quả trứng, cái nào có trước cái nào sau”.
Theo đại diện Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, tại Hà Nội và TP.HCM, trong 4 năm qua chưa có quy hoạch cho công trình quảng cáo. “Chúng tôi kêu mãi nhưng cơ quan quản lý vẫn yêu cầu dừng, khi nào có quy hoạch mới được làm. Thế thì bằng bắt người ta nhịn cơm à?”, đại diện Hiệp hội Quảng cáo bức xúc. Qua đây, ông Hùng kiến nghị Bộ Xây dựng rà soát và yêu cầu các địa phương cho phép doanh nghiệp quảng cáo thực hiện trong khi chờ quy hoạch.
Có nên bỏ giấy phép xây dựng công trình nhỏ?
Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu dẫn ra ví dụ: Một dự án xây dựng của của ông có 42 nhà liền kề và 4 tòa nhà 9 tầng. Với các tòa nhà 9 tầng, ông Hiệp phải lên TP xin giấy phép, còn các nhà thấp tầng thì xin ở quận. “Chúng tôi làm thế, cắt dự án ra, nhưng quận lại bảo không cấp, phải “ông” Sở. Đi lại như vậy, chúng tôi mất đúng ba tháng”, ông Hiệp kể. Ông cũng kiến nghị đối với các công trình thuộc dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 phải quy định rõ ràng đơn vị cấp phép để không mất thời gian của doanh nghiệp.
Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở áp dụng từ năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị áp dụng từ năm 2009 là các đạo luật quan trọng điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng, quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản... Theo Bộ Xây dựng, trừ Luật Quy hoạch, các luật còn lại mới áp dụng được vài năm nhưng trong thời gian thực hiện đã bộc lộ bất cập không phù hợp như thời gian cấp phép xây dựng dài, điều kiện cấp phép một số công trình chưa phù hợp, lựa chọn tư vấn lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị chưa đáp ứng yêu cầu thực tế... |
Trước kiến nghị trên, bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng cho biết, Điều 89 của Luật Xây dựng đã quy định cụ thể các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng. “Qua nghiên cứu rà soát, có thể miễn giấy phép xây dựng đối với một số công trình dự án thuộc dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt và đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm quyền thiết kế xây dựng hoặc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư. Một số công trình quảng cáo, quy mô nhỏ khác cũng có thể được miễn giấy phép xây dựng để tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng”, bà Hạnh nói. Tuy nhiên, theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, người cấp giấy phép xây dựng là người kiểm tra lần cuối với chủ đầu tư về việc tuân thủ các quy định chứ không phải là người rà soát chi tiết từng khâu. “Sự cố công trình hay xảy ra ở những công trình thấp, rẻ tiền chứ không phải là những công trình lớn vì họ có thiết kế giỏi. Nói rằng nhà thấp tầng, đơn giản không cần kiểm tra là không đúng. Giấy phép xây dựng không phải vô dụng để bỏ đi dễ dàng”, ông Liêm bảo lưu ý kiến giữ giấy phép xây dựng.
Được biết, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến xây dựng dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch. Theo tiến độ, dự án sẽ được trình Chính phủ vào tháng 3/2018, trình Quốc hội cho ý kiến tháng 5/2018, trình Quốc hội thông qua tháng 10/2018 và dự kiến áp dụng từ 1/1/2019.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận