Liệu khi có luật rồi, tình trạng lạm dụng rượu bia, lái xe say xỉn, sản xuất và kinh doanh bia rượu tràn lan như hiện nay có chấm dứt? Báo Giao thông trao đổi với ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH - cơ quan thẩm tra dự thảo luật xung quanh nội dung này.
Quy định trong luật, nhưng làm thế nào để giám sát?
Cuối tháng 4 vừa qua, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH đã họp phiên toàn thể để cho ý kiến vào dự thảo luật này. Nhiều ý kiến cho rằng không ít quy định vẫn rất chung chung, thậm chí Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh phải yêu cầu các đại biểu khi phát biểu thì cho luôn ý kiến là dự thảo có đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua không? Đến nay, dự thảo này đã được chỉnh lý, bổ sung thế nào thưa ông?
Tại cuộc họp hôm đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hiện nay phòng chống tác hại của rượu bia đã quá cấp thiết và luật này cũng đã dời 1 lần rồi. Nhiều ý kiến đồng tình và từ đó đến nay, dự thảo luật cũng đã được chỉnh lý, bổ sung trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu tại phiên họp 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong dự thảo mới nhất, có những nội dung nào thay đổi so với dự thảo trước đây?
Nội dung xuyên suốt của luật thì vẫn là giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại và nâng cao trách nhiệm của chính quyền, cơ quan quản lý và chính những người sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu bia.
Nếu như dự thảo cũ quy định cấm bán bia rượu dưới 15 độ cồn trên internet thì lần này đã bỏ, vì nội dung này sẽ được quy định tại Luật Thương mại. Về quảng cáo, trước đây dự thảo cấm quảng cáo rượu bia trên 15 độ, nhưng căn cứ Luật Quảng cáo thì chỉ cấm rượu trên 15 độ, nên lần này luật cũng giảm theo hướng đó. Ngoài ra, dự thảo mới nhất cũng tăng thêm tính giáo dục, truyền thông, nâng cao dần ý thức của người sử dụng. Tăng cường quản lý sản xuất rượu thủ công, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn chặn hàng gian, hàng giả, đảm bảo rõ nguồn gốc...
Trước đây, dự thảo có nội dung đề cập đến chính sách “tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình để giảm mức tiêu thụ rượu, bia”. Đến nay, nội dung này có được giữ lại hay không?
Vấn đề này Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý. Ban đầu khi dự thảo được trình thì đề xuất thành lập Quỹ Phòng chống tác hại rượu bia, hoặc Nhà nước đảm bảo nguồn lực để thực hiện phòng chống tác hại của rượu bia. Tuy nhiên, quá trình thảo luận nhiều ý kiến cho rằng, lộ trình thế nào thì nên để Luật Thuế điều chỉnh, nên nội dung này được rút ra và chỉ quy định “Nhà nước đảm bảo nguồn lực cho việc phòng chống tác hại rượu bia”.
Với việc ngân sách phải cân đối hàng năm để dành nguồn lực cho việc này có thể chưa đảm bảo như mong muốn. Tuy nhiên, quan điểm của cơ quan thẩm tra là phải tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, các chuyên gia, các bộ ngành, hiệp hội liên quan.
Trước đây luật quy định cấm quảng cáo rượu bia trên truyền hình và phát thanh trong khung giờ 18 - 21h, đến lần dự thảo mới nhất thì vì sao chỉ cấm 19 - 20h?
Khoảng thời gian 19 - 20h là khung “giờ vàng”. Việc rút ngắn này dựa trên tinh thần tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội, vừa đảm bảo tính giáo dục răn đe nhưng cũng đảm bảo lợi ích của những ngành có liên quan.
Trong luật có rất nhiều hành vi bị cấm, chẳng hạn như cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi; Cho người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia... Nhưng làm thế nào để giám sát được việc này trong thực tế?
Đúng là việc này rất khó, bây giờ có biết bao nhiêu điểm bán lẻ, họ có phân biệt trẻ em hay người lớn đâu. Ở nông thôn, rất nhiều đứa trẻ 10 - 11 tuổi thường xuyên được bố mẹ sai đi mua rượu... Rồi đối với hành vi ép người dưới 18 tuổi sử dụng rượu bia, xử lý thế nào thì cũng không đơn giản. Hay thấy người có dấu hiệu say rượu thì không được bán rượu cho họ nữa, vậy làm sao để chứng minh được là họ say rượu?
Nhưng chúng ta cũng mong nhận thức của người dân sẽ thay đổi dần dần, ý thức được tác hại của việc sử dụng rượu bia. Giờ luật đưa ra những hành vi cấm này là để nhằm giáo dục thay đổi nhận thức, hành vi. Cái thứ hai là nâng cao trách nhiệm của người sử dụng, không được phép để trẻ con, người dưới 18 tuổi đi mua. Hay bản thân những người bán rượu, họ cũng phải ý thức là không được bán cho người dưới 18 tuổi...
Kỳ vọng thay đổi nhận thức, hành vi
Ông có cho rằng, nếu không có chế tài cụ thể, trách nhiệm và thẩm quyền xử lý cụ thể thì những điều cấm đặt ra cũng... “để cho vui”?
Đúng là để làm được những điều như luật quy định thì cần phải có chế tài để xử lý và quy định cụ thể thẩm quyền của người xử lý. Nhưng rõ ràng đây là vấn đề rất khó. Chẳng hạn giao cấp xã trở lên có quyền xử lý thì nếu nửa đêm người ta đi mua, làm cách nào để mà phát hiện?
Vì thế ở đây chúng ta trông chờ ý thức tự giác của người dân là chính, còn chế tài xử lý thế nào, thì cần phải có hướng dẫn tiếp tại các văn bản dưới luật để thực thi.
Thực tế đó có được cơ quan thẩm tra lưu ý cơ quan soạn thảo, khi mà trước đây không ít điều cấm trong luật đã được ban hành, nhưng rất khó, thậm chí không thể thực thi?
Tính đồng bộ, khả thi, có tương thích với các luật khác không, các hành vi bị cấm thì chế tài thế nào, ai là người xử lý... đều được đặt ra mỗi khi xây dựng bất cứ luật nào. Nhưng riêng luật này thì mục tiêu của nó là vì sức khỏe của người dân, của cộng đồng nên mục đích hướng tới là giúp mọi người nếu có sử dụng rượu bia thì sử dụng có trách nhiệm, không lạm dụng. Có kinh doanh thì cũng phải kinh doanh có trách nhiệm, có sản xuất rượu thủ công thì cũng có trách nhiệm...
Đó chính là những thông điệp mà luật này hướng tới, chứ nếu nói khả thi ngay thì rất khó. Ví dụ cho đăng ký sản xuất rượu thủ công, nếu họ kinh doanh thì dễ phát hiện, nhưng nếu họ nấu rượu mà chỉ để sử dụng trong gia đình thì dù có không đăng ký cũng rất khó xử lý.
Nhưng dù sao thì vẫn cần phải có thông điệp, bây giờ chưa thay đổi thì dần dần sẽ thay đổi, chúng ta hy vọng là như thế.
Trước đây trong dự thảo có điều khoản về “phòng ngừa TNGT liên quan đến sử dụng rượu bia”, nhưng vì sao đến nay lại không còn nội dung này nữa, thưa ông?
Trước đây có, nhưng về sau được đưa ra, vì nội dung này đã được quy định tại những luật khác. Thông điệp ban đầu mà ban soạn thảo muốn đưa ra là “Đã uống rượu bia không lái xe”, giúp người dân điều chỉnh hành vi của mình. Nhưng sau khi bàn bạc thảo luận thì cũng không được ủng hộ, vì quy định uống bia rượu đến mức bao nhiêu thì không được lái xe đã có trong Luật GTĐB.
Thật ra không chỉ có rượu bia mà những chất gây nghiện khác cũng tác động tới hành vi của người lái xe, chẳng hạn như ma túy. Chúng ta đang tổng kết 3 năm triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính và nội dung này cũng đã được xem xét.
Sau khi có luật này, ông có kỳ vọng rằng tình trạng lạm dụng rượu bia hay những vụ TNGT thương tâm có nguyên nhân từ rượu bia sẽ được hạn chế?
Kỳ vọng thì nhiều lắm. Nó không đơn thuần chỉ là vấn đề sức khỏe, mà còn liên quan đến kinh tế, tội phạm, bạo lực gia đình... Nhưng tôi cho rằng mục tiêu cao nhất của luật này là sẽ tác động và làm thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi trong việc phòng chống tác hại của rượu bia, trong việc sử dụng rượu bia, sản xuất và kinh doanh rượu bia. Cũng cần nhấn mạnh là mục tiêu này chưa thể đi ngay vào cuộc sống mà phải mất vài năm nữa.
Ông có thường xuyên uống rượu bia không?!
Có chứ! Tôi cũng thường giao lưu với bạn bè hay những khi có khách khứa, mình vẫn uống. Nhưng mình phải biết chừng mực, làm chủ bản thân. Tôi có uống thì cũng uống tại nhà, hoặc gần nhà, nếu có lỡ đi xe máy thì sau khi uống phải gọi con trai ra chở về!
Cảm ơn ông!
Rượu, bia đang chịu những loại thuế nào?
Theo ông Vũ Khắc Liêm, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), hiện mặt hàng rượu, bia đang chịu thuế nhập khẩu (đối với rượu, bia nhập khẩu), thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng (10%).
Hiện nay, theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014, hai mặt hàng rượu, bia chịu thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo biểu thuế chia theo từng giai đoạn. Cụ thể, đối với mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên năm 2016 có thuế suất là 55%, 2017 là 60% và từ 1/1/2018 là 65%. Rượu dưới 20 độ năm 2016 và 2017 chịu thuế suất 30%, từ 1/1/2018 chịu thuế suất 35%.
Còn đối với bia, năm 2016 mặt hàng này chịu thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 55%, năm 2017 là 60% và từ 1/1/2018 là 65%.
Cần nhiều giải pháp kiểm soát mức độ sử dụng đồ uống có cồn
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, theo quy định của pháp luật, rượu là mặt hàng hạn chế kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã thống nhất quản lý hoạt động kinh doanh rượu thông qua cấp phép và được quy định tại các Nghị định số 40/2008, Nghị định số 94/2012, nay là Nghị định số 105/2017 về kinh doanh rượu.
Nhìn chung, mặt hàng rượu cho đến thời điểm hiện tại đang được quản lý rất chặt chẽ. Bộ Công thương và các cơ quan liên quan đã và đang làm rất tốt vai trò của mình. Việc cấp phép được thực hiện theo đúng thẩm quyền và cơ quan có thẩm quyền chỉ cấp phép cho các thương nhân đủ điều kiện theo quy định. Điều này giúp đẩy lùi nạn hàng gian hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh.
Về việc sử dụng đồ uống có cồn, trong đó có rượu, theo các nghiên cứu, sử dụng đồ uống có cồn ở mức độ hợp lý với thể trạng sẽ có những tác động tích cực đối với sức khỏe, tuy nhiên ngược lại nếu lạm dụng sẽ gây ra những tác động xấu cho sức khỏe, ảnh hưởng đến cộng đồng và các vấn đề về kinh tế, xã hội. Trên thực tế, việc sử dụng đồ uống có cồn như thế nào, do người sử dụng quyết định.
Để kiểm soát sự gia tăng mức độ tiêu thụ đồ uống có cồn thì ngoài việc quản lý chặt chẽ trong kinh doanh còn cần có nhiều giải pháp khác song hành. Trong đó, sự nhận thức, thái độ của người dân, cộng đồng trong việc sử dụng đồ uống có cồn đóng vai trò quan trọng bởi cơ chế thị trường vận hành theo quy luật cung - cầu, cung đáp ứng theo cầu. Do đó, rất cần có biện pháp bảo đảm về chính sách tuyên truyền về tác động có hại trong việc sử dụng quá nhiều bia, rượu; phổ biến giáo dục pháp luật; vận động người dân, cộng đồng sử dụng rượu, bia một cách có văn hóa, tiến tới một xã hội văn minh, sử dụng đồ uống có cồn một cách có ý thức và trách nhiệm… Để làm được điều đó, cần có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực như Y tế, giáo dục, các tổ chức chính trị - xã hội.
Lưu Thủy (Ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận