Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường về chất lượng xây dựng văn bản pháp luật |
Rất nhiều bạn đọc đã gửi bình luận dưới bài viết trích phát biểu của ĐBQH Ngọ Duy Hiểu tại hội trường Quốc hội sáng 30/5 cho rằng, tư duy làm luật, ban hành chính sách của các cơ quan tập hợp ý kiến, soạn thảo và đệ trình chưa bám sát với thực tế của đời sống người dân. Hay nói đúng hơn như một ý kiến là “quy định pháp luật trên trời, còn cuộc đời ở dưới đất”.
Ông Hiểu bày tỏ: “Một người vi phạm pháp luật có nguy cơ phải đi tù nhưng trong việc tham mưu ban hành chính sách, nếu yếu kém, thậm chí cản trở phát triển thì chẳng có chế tài. Tôi thấy điều này không công bằng”.
Đồng tình với quan điểm này, bạn đọc Hòa An viết: “Có những luật ra đời từ rất lâu nhưng lại nợ Thông tư, Nghị định hướng dẫn. Tôi tìm hiểu được biết, có trường hợp không phải các bộ, ngành chậm mà là… vướng, không biết hướng dẫn chi tiết cho người thực hiện thế nào. Và thực tế là Luật có nhưng không có hướng dẫn thực hiện thì cũng như không. Phải có người chịu trách nhiệm về những việc này”.
Bạn đọc Quang Linh (Hải Dương) bình luận: “Một văn bản ra, doanh nghiệp phải thay đổi rất nhiều trong đầu tư công nghệ, mua sắm thiết bị, tuyển nhân lực. Văn bản không hợp lý bị công luận lên án, phải sửa đổi nhưng cũng không có ai đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp. Điều này bất hợp lý”. Phản hồi bình luận này, bạn đọc Minh Anh viết: “Không ai cấm các doanh nghiệp khởi kiện khi thấy quyền lợi của mình bị thiệt hại. Và nên làm như vậy để các cơ quan Nhà nước nâng cao hơn nữa trách nhiệm khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.
Bạn đọc Lê Hóa (Nghệ An) phân tích: “Nhiều lĩnh vực đang cạnh tranh thu hút nhân tài rất gay gắt, có công ty trả lương gấp 10 lần lương Nhà nước để tuyển được người giỏi về làm. Bộ máy Nhà nước đang bị chảy máu chất xám trầm trọng, nhất là những người trẻ. Nếu không có chính sách kịp thời e rằng, đến lúc nào đó những người làm luật sẽ có độ chênh về trình độ, kiến thức nhất định so với những người chịu tác động từ luật. Điều này một phần ảnh hưởng tới chất lượng xây dựng văn bản pháp luật”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận