Giao thông

Luật “đá nhau” đang cản đầu tư PPP

25/07/2017, 07:05

Mô hình đầu tư PPP còn nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là sự chồng chéo giữa các quy định hiện hành.

1

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn những năm gần đây, huy động vốn qua hình thức PPP vẫn là chủ lực (Trong ảnh: Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang) - Ảnh: Tạ Tôn

Trong bối cảnh nguồn ngân sách khó khăn những năm gần đây, mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) được kỳ vọng là cứu cánh thu hút vốn từ khu vực tư nhân cả trong và ngoài nước để phát triển kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, hình thức đầu tư này bị cản trở bởi những quy định trong nhiều luật "đá nhau"...

Quy định chồng chéo

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư (Bộ GTVT) chỉ rõ nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là sự chồng chéo giữa các quy định hiện hành về mô hình đầu tư PPP.

Cụ thể, liên quan đến nội dung đánh giá tác động môi trường đối với các dự án PPP, ông Huy cho biết, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, Điều 35, Luật Đầu tư công nêu rõ, đối với dự án không có cấu phần xây dựng nêu rõ, chỉ phân tích, đánh giá sơ bộ tác động về môi trường, xã hội của dự án, còn đối với dự án có cấu phần xây dựng thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng. Trong khi đó, theo quy định của Luật Xây dựng, nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chỉ “xác định sơ bộ hiệu quả KT-XH và đánh giá tác động của dự án”.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa công bố dự thảo đề cương Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), gồm 10 Chương, 91 Điều. Để có cơ sở báo cáo Quốc hội, Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, ngành, địa phương phát hiện và đóng góp ý kiến về các nội dung còn chồng chéo giữa các quy định khi triển khai dự án PPP trong thực tiễn cũng như đề xuất, kiến nghị định hướng chính sách cần thiết để khắc phục các vướng mắc khi xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức PPP. Đồng thời, Bộ KH&ĐT cũng có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về các dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công-tư và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 30/2015 hướng dẫn một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Đồng thời, Nghị định 131 ngày 25/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia, nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia cũng chỉ quy định đánh giá sơ bộ tác động đến môi trường, xã hội của dự án. “Thực tế, các số liệu được nghiên cứu, thu thập bước trong nghiên cứu tiền khả thi chỉ đáp ứng yêu cầu đánh giá sơ bộ tác động môi trường, xã hội, không đáp ứng được yêu cầu đánh giá tác động môi trường theo quy định”, ông Huy nói.

Đề cập đến việc quản lý phần vốn Nhà nước, ông Huy cho biết, theo quy định, vốn Nhà nước phải được quản lý, giải ngân theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, đối với vốn Nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án PPP sẽ được xác định thông qua phương án tài chính, trên cơ sở đảm bảo dự án khả thi về mặt tài chính. Do vậy, vốn Nhà nước sẽ được hòa chung vào dòng vốn của dự án nên không thể quản lý, giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công.

Một bất cập khác liên quan đến tiến độ huy động vốn chủ sở hữu giữa các quy định của luật hiện hành. Theo quy định của Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công-tư, doanh nghiệp dự án góp vốn chủ sở hữu theo tiến độ dự án. Tuy nhiên, Điều 74 và Điều 112, Luật Doanh nghiệp lại quy định doanh nghiệp phải góp đủ vốn chủ sở hữu trong vòng 90 ngày, kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

“Thực tế, nếu huy động vốn chủ sở hữu theo quy định của Luật Doanh nghiệp, sẽ có một lượng tiền rất lớn không được sử dụng và nằm trong tài khoản của doanh nghiệp dự án, đặc biệt là các dự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phần vốn chủ sở hữu rất lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng, dẫn tới lãng phí nguồn lực cho xã hội, vi phạm Điều 64, Luật Tiết kiệm, chống lãng phí”, ông Huy nói và cho biết thêm, một số thông số tài chính như: Lãi suất vốn vay, mức lợi nhuận cho nhà đầu tư... hiện chỉ quy định ở mức thông tư và chưa phù hợp với cơ chế thị trường và chưa thu hút được các nhà đầu tư.

2
Để giảm thiểu thấp nhất rủi ro và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia dự án PPP, Nhà nước cần sớm ban hành Luật Đầu tư về PPP  (Trong ảnh: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) - Ảnh: Tạ Tôn

Cấp thiết xây dựng Luật Đầu tư về PPP

Theo ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, hoạt động đầu tư theo hình thức PPP hiện nay được quy định tại Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công-tư và Nghị định 30/2015 hướng dẫn một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. “Sau hai năm triển khai, còn nhiều tồn tại cần sớm khắc phục. Hiện nay, Bộ KH&ĐT đang tiến hành xây dựng và hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2015 và Nghị định 30/2015”, ông Thu cho biết.

“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&ĐT đang tiến hành nghiên cứu trình Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư”, ông Thu cho biết.

Góp ý định hướng xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong văn bản gửi đến Bộ KH&ĐT mới đây, Bộ GTVT cho rằng, về quy định đánh giá tác động môi trường của dự án, Luật Đầu tư về PPP cần phân loại các dự án theo mức độ tác động đến môi trường và quy định rõ báo cáo đánh giá tác động môi trường là cơ sở để quyết định dự án đầu tư đối với các dự án không tiềm ẩn nguy cơ đối với môi trường và quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án tiềm ẩn nguy cơ tác động môi trường.

Đề cập đến việc huy động vốn tín dụng, trong văn bản, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, đối với vốn tín dụng trong nước, luật cần có cơ chế chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại trong nước cung cấp tín dụng cho các dự án PPP. Đối với nguồn vốn tín dụng nước ngoài, cần điều chỉnh luật theo hướng Chính phủ cung cấp các bảo lãnh như: Bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ ba thay thế Chính phủ thực hiện nghĩa vụ đã ký trong hợp đồng...

Trao đổi với Báo Giao thông, dưới góc nhìn của nhà đầu tư, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Phương Thành Tranconsin cho rằng: “Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách của Nhà nước liên tục thay đổi dù hợp đồng đã được ký kết, khiến nhà đầu tư không thể lường hết rủi ro. Khi đã có luật, nhà đầu tư được quyền chủ động tìm kiếm nguồn vốn vay, ngoài vốn tín dụng trong nước, có thể huy động nguồn vốn nước ngoài với lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, luật cũng cần phải quy định rõ, nếu nhà đầu tư tìm kiếm được nguồn vốn tốt, mức lãi suất rẻ hơn so với quy định khung thì sẽ được hưởng, tránh chuyện truy thu”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.