Sáng nay (18/1), với 432/477 đại biểu có mặt (chiếm 87,63% tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương và 260 điều. Đây là một trong những đạo luật quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, cho biết Luật Đất đai liên quan trực tiếp 22 đạo luật, và liên quan đến 189 đạo luật khác, chính vì thế, Luật Đất đai (sửa đổi) được bàn luận kỹ lưỡng, thận trọng và được nhân dân, doanh nghiệp trông đợi, kỳ vọng, nhất là những quy định mới.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc GP.Invest chia sẻ: "Nhiều ý kiến nhiều đại biểu tôi thấy rất sắc sảo và cũng có thể nói rằng là đúng suy nghĩ của nhiều doanh nghiệp mong muốn. Quy định của luật phục vụ thực tế cuộc sống, hài hòa lợi ích của cả xã hội, của nhà nước, của người dân, của doanh nghiệp".
Ông Hiệp cho biết, thu hồi đất nông nghiệp ngoài việc được bồi thường bằng tiền, bằng đất nông nghiệp cùng loại thì tới đây có thể được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tùy thuộc vào điều kiện cụ thể tại mỗi địa phương. Những chính sách này cũng tạo kỳ vọng sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân có đất bị thu hồi, qua đó đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ của hàng nghìn dự án đang đình trệ.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property), cũng cho rằng Luật đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn, tránh xung đột với các luật khác. Đó là căn cứ pháp lý để các đơn vị thực hiện dự án, cơ quan chính quyền có hành lang pháp lý thực hiện rõ ràng, nhanh chóng thay vì xin ý kiến, chờ hướng dẫn.
Luật sửa đổi lần này cũng đã xác định được dự án do nhà nước thu hồi đất, dự án do tổ chức khác thu hồi đất. Nó giải quyết khá lớn cho doanh nghiệp khi dự án khu đô thị đồng bộ về hạ tầng thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, bởi thực tế doanh nghiệp rất khó để thỏa thuận được với tất cả người dân trong dự án khi đứng ra thu hồi đất, khiến dự án vướng mắc, chậm tiến độ...
Còn ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bày tỏ, cơ chế quản lý đất đai đã bỏ những can thiệp mang tính chất hành chính của Nhà nước, mà sử dụng cơ chế thị trường. Sang năm 2025, khi áp dụng luật rất nhiều vướng mắc sẽ được tháo gỡ và đó cũng là tiền đề để vực dậy thị trường bất động sản.
Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sáng nay có nhiều điểm mới, đang chú ý là một số điểm như: Đổi mới quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội; Các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá đấu thầu; Đảm bảo quỹ đất thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Giảm đầu mối trung gian trong giao đất, cho thuê đất; Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tập trung thống nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận