Người dân vô tư đi vào hành lang đường sắt bất chấp nguy hiểm tại khu vực gác chắn Km 1692+600, phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa (chụp chiều 31/3) - Ảnh: Vĩnh Phú |
Đã hơn một tháng trôi qua, nhưng những hình ảnh từ vụ TNGT đường sắt tại khu gian Lăng Cô - Cầu Hai (Thừa Thiên - Huế) giữa tháng 2 làm 3 người tử vong, trong đó có Phó trưởng tàu Phạm Hồng Phượng, khiến nhiều người chưa hết bàng hoàng.
Hiện trường vụ tai nạn đổ nát với đầu máy và 3 toa xe bị đổ, 3 toa tàu khác bị trật bánh, hành lý của khách vương vãi khắp nơi, tiếng kêu la thảm thiết. Đằng xa chiếc xe ô tô bị biến dạng.
Rõ ràng, tai nạn đường sắt ít hơn đường bộ, nhưng một khi đã xảy ra thường thảm khốc và hậu quả lại vô cùng nặng nề. Chỉ một vụ tai nạn có thể làm cả tuyến đường sắt huyết mạch ngưng trệ, hàng chục đoàn tàu bị tắc nghẽn, hàng nghìn hành khách phải trung chuyển bằng các phương tiện khác. Chi phí cứu hộ, cứu nạn lên đến hàng chục tỷ đồng và hàng trăm con người oằn mình, trắng đêm thông đường. Điều ám ảnh mọi người hơn là sự ra đi của Phó trưởng tàu Phạm Hồng Phượng để lại vợ con bơ vơ với hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Cơ quan nơi anh Phượng công tác đang phải kêu gọi những mạnh thường quân và tấm lòng hảo tâm quyên góp, xây nhà tình nghĩa, phần nào san sẻ giúp vợ con anh vượt qua nỗi đau.
Điều đáng nói là nguyên nhân của tuyệt đại đa số các vụ tai nạn đó đều đã được chỉ mặt, đặt tên và thủ phạm không gì khác chính là yếu kém trong quản lý đường ngang, vi phạm an toàn hành lang đường sắt tràn lan. Dù vậy, một chuyên gia lĩnh vực đường sắt chia sẻ, “đường sắt vẫn là “ngôi sao cô đơn” và đang tồn tại bất cập lớn trong việc truy trách nhiệm trong quản lý hành lang, xử lý hậu quả tai nạn đường sắt. Trong khi hậu quả và gần như toàn bộ chi phí sau tai nạn đặt cả lên vai ngành Đường sắt, nhiều tỉnh, thành vẫn đang thờ ơ trong công tác quản lý đường ngang, lập lại trật tự hành lang, dù trách nhiệm chính của công tác này không ai khách chính là các địa phương có đường sắt đi qua.
Không ít người vẫn còn tâm lý quản đường ngang, hành lang là việc riêng của đường sắt. Mỗi lần ra quân, xử lý, cơ quan chức năng lại phải ra sức vận động, rồi ký cam kết,… nhưng không ít địa phương vẫn không mặn mà, thậm chí từ chối phối hợp. Thực tế, ở đâu chính quyền quan tâm, hành lang, đường ngang đường sắt quy củ, còn ngược lại, vi phạm tràn lan, mỗi lần ra quân xử lý chỉ như bắt cóc bỏ dĩa.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải luật hóa trách nhiệm cho các địa phương, nếu mãi để đường sắt một mình oằn mình gánh chịu, trật tự an toàn đường sắt còn lâu mới được vãn hồi. Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa thẳng thắn nói: “Các địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ để lập lại trật tự đô thị, trả lại vỉa hè cho người đi bộ bằng các giải pháp mạnh mẽ, bài bản như Hà Nội, TP.HCM. Cần phải chuyển tinh thần này đối với lĩnh vực đường sắt để giành lại hành lang an toàn đường sắt, cũng như phải thu hẹp lại, bỏ đi các đường dân sinh bất hợp pháp để kéo giảm TNGT đường sắt”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận