Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp sáng 1/2 |
Sau quyết toán, giá trị công trình giảm 20%
Một thông tin đáng chú ý liên quan đến các dự án BOT được Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư Nguyễn Danh Huy đưa ra tại cuộc làm việc liên quan đến chi phí đầu tư các dự án. Cụ thể, theo ông Huy, kết quả thanh tra và kết luận của Kiểm toán Nhà nước đánh giá việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án cơ bản tuân thủ quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như nhầm lẫn một số đơn giá định mức, hạng mục khối lượng trong tổng mức đầu tư (TMĐT) với tỷ lệ không lớn.
“Như tại dự án QL1 đoạn Lạng Sơn - Cà Mau (các dự án đang được Ủy ban Kiểm tra T.Ư giám sát), 24 dự án BOT được thanh tra chênh lệch khoảng 1.659 tỷ đồng/38.709 tỷ đồng TMĐT (chiếm khoảng 4%). 11 dự án BOT được kiểm toán có chênh lệch khoảng 301,54 tỷ đồng/16.972 tỷ đồng TMĐT (chiếm khoảng 1,8%)”, ông Huy thông tin.
Cũng theo ông Huy, lường trước vấn đề này, các hợp đồng BOT đã quy định chi phí đầu tư cuối cùng để tính thời gian hoàn vốn dự án là giá trị quyết toán công trình.
Thực tế, trong quá trình quyết toán chi phí đầu tư xây dựng công trình, các cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát, kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý của các chi phí đầu tư xây dựng, đảm bảo tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật và quy định của hợp đồng BOT, đặc biệt là việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán, thẩm tra, thẩm định.
“Theo số liệu tổng hợp, rà soát, đến nay, trong số 54 dự án BOT, BT đã quyết toán toàn bộ hoặc một phần có TMĐT khoảng hơn 91.600 tỷ đồng, dự kiến giá trị công trình cuối cùng sau quyết toán khoảng hơn 72.700 tỷ đồng (giảm so với TMĐT được duyệt khoảng 20%)”, ông Huy thông tin thêm.
Xây dựng tiêu chí miễn, giảm giá vé tại các trạm BOT
Trong thời gian tới, ông Huy cho rằng, một trong những giải pháp xử lý hiệu quả bất cập, phản ứng tại các trạm BOT là tiếp tục giảm giá cho người dân quanh trạm. Tuy nhiên, việc giảm giá chung cho các phương tiện qua trạm ảnh hưởng rất lớn đến tính hiệu quả tài chính của các dự án BOT nên cần rất thận trọng và phải có sự rà soát, tính toán phương án tài chính của các dự án rất cụ thể trước khi chấp thuận chủ trương giảm giá chung.
BOT GIAO THÔNG MANG LẠI LỢI ÍCH LỚN Kết quả tính toán cho thấy khi các dự án đưa vào khai thác sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành khai thác (giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện, tiết kiệm thời gian vận chuyển hàng hóa, thời gian đi lại của hành khách...) so với khi công trình chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Cụ thể, với các dự án đường HCM qua Tây Nguyên từ Pleiku - Cầu 110, lợi ích mang lại khoảng 244 tỷ đồng/năm, trong khi doanh thu thu phí khoảng 167 tỷ đồng/năm và giảm khoảng 37% thời gian đi lại. Đoạn qua tỉnh Đắk Nông lợi ích mang lại khoảng 104 tỷ đồng/năm, doanh thu thu phí khoảng 79 tỷ đồng/năm và giảm khoảng 25% thời gian đi lại. QL1 đoạn Hà Nội - TP HCM lợi ích mang lại đối với xe loại 1 khoảng 839.168 đồng/lượt, giảm khoảng 25% thời gian đi lại trong khi giá phí phải trả 740.000 đồng/lượt. Đặc biệt, đoạn Hà Nội - Vinh, lợi ích mang lại khoảng 155.625 đồng/lượt, giảm khoảng 25% thời gian đi lại, giá phí phải trả 60.000 đồng/lượt). Ngoài ra, chưa kể đến các lợi ích khó định lượng được như giảm TNGT, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.... |
Đặc biệt, ông Huy kiến nghị nên “Luật hoá”, đưa ra một số nguyên tắc thống nhất, chẳng hạn như người dân quanh trạm trong phạm vi 5km được miễn giảm 100% với phương tiện không kinh doanh và 50% với phương tiện kinh doanh. Trong trường hợp đặc biệt, có thể áp dụng trong phạm vi 10km quanh trạm.
Về việc tiêu chí như thế nào thì được coi là “đặc biệt”, ông Huy dẫn ví dụ trường hợp các trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án hoặc đầu tư tuyến chính và thu phí cả tuyến chính và tuyến tránh.
Ủng hộ đề xuất này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, cần có một số nguyên tắc về miễn giảm ở trạm thu phí, có thể thông qua một Quyết định cá biệt hoặc Thông tư. “Điều kiện đầu tiên phải đáp ứng được phương án tài chính. Cùng đó, cần làm rõ miễn giảm ra sao, đối tượng nào, mức giảm bao nhiêu và áp dụng thống nhất”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Người đứng đầu Bộ GTVT cũng yêu cầu đẩy nhanh hơn nữa công tác quyết toán dự án (bao gồm cả quyết toán GPMB) để minh bạch đầu vào song song với việc triển khai nhanh thu phí không dừng để minh bạch đầu ra. “Nửa tháng tôi sẽ họp một lần về thu phí không dừng để kiểm soát tiến độ, xem khó khăn ở đâu, tháo gỡ thế nào. Đây là việc không thể không làm, tuyệt đối không lùi”, Bộ trưởng nói.
Trước đó, báo cáo về công tác quyết toán, Vụ trưởng Vụ Tài chính Đỗ Văn Quốc cho biết, trong tháng 1/2018, các đơn vị đã lập trình quyết toán được 2 dự án, giá trị trình hơn 14.300 tỷ đồng (Dự án nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không Nội Bài và Dự án BOT QL1 và tuyến tránh Cai Lậy), đồng thời đã phê duyệt quyết toán được 2 dự án, giá trị phê duyệt 382 tỷ đồng.
Trong tháng 2, các chủ đầu tư/Ban QLDA lập và trình quyết toán 2 dự án vốn xây dựng cơ bản. Đối với dự án BOT, các Ban QLDA kiểm tra và trình 2 dự án Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo QL3 Km75 - Km100; dự án QL1 đoạn qua Cai Lậy.
Cùng đó, các cơ quan thẩm tra tiếp tục thẩm tra 6 dự án vốn xây dựng cơ bản để duyệt quyết toán trong tháng 3. Vụ Tài chính tổ chức thẩm tra quyết toán 3 dự án BOT để duyệt trong tháng 4, gồm dự án tuyến tránh Sóc Trăng; đường HCM đoạn QL32 đến Hương Nộn; QL26.
Đối với 55 dự án BOT, BT đã được chấp thuận quyết toán, Vụ Đối tác công tư sẽ tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư điều chỉnh hợp đồng quy định bổ sung điều khoản xác định khoản vay và cách tính chi phí lãi vay trong quá trình xây dựng để các ban quản lý dự án trình quyết toán về Bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận