Luật là luật - Ảnh minh họa |
Hàng ngày, chúng ta vẫn thấy diễn ra những cảnh tưởng sau đây: Công an, trật tự đường phố đi dọc các vỉa hè để xua đuổi, thu giữ đủ thứ phương tiện cồng kềnh làm chật lối đi bộ, gây tắc nghẽn giao thông. Nhưng hễ công an đi khỏi là đâu lại vào đấy. Những bàn ghế, tủ, quầy... vừa sơ tán vào nhà lại nhanh chóng bày lại như cũ.
Và ngày nào chuyện này cũng diễn ra.
10 năm trước đây, Hà Nội quyết tâm làm sạch xóm liều. Thôi thì muộn nhưng mà cũng đáng để biểu dương. Các nhà chức trách nghĩ ra sáng kiến để chống tái chiếm là khi có mặt bằng liền xây tường bao quanh, cắt cử người ngày - đêm trông coi. Vậy mà, nhà chức trách vẫn lo phòng xa việc phá tường. Trong khi đó, tình trạng lấp hồ, lấn đất công vẫn ngày ngày xảy ra ở khắp nơi.
Rồi còn nhiều việc khác nữa như chống: Mại dâm, hàng giả, đua xe trái phép... Với mỗi việc lại có trăm sáng kiến được biểu dương mà chả việc nào giải quyết được triệt để. Việc nào cũng giống như “bắt cóc bỏ đĩa”. Điều buồn cười nhất là chúng ta làm điều đó vì luật pháp nhưng lại không bao giờ nhớ rằng, luật pháp là không có chuyện đôi co mặc cả. Luật là luật, chừng nào nó chưa bị Quốc hội bãi bỏ. Theo đó, nếu một người cứ chiếm dụng vỉa hè thì y không những bị phạt nặng về hành chính mà còn bị khép tội làm cản trở giao thông. Chắc chắn, sẽ không có bất cứ kẻ nào lại dám đùa giỡn với hình phạt nghiêm khắc. Theo đó, một kẻ lấn đất công là kẻ phạm tội thực sự. Làm gì có chỗ nào cho anh ta cò kè đòi hỏi đền bù mới chịu di dời. Và nếu một lần nếm cái uy nghiêm của luật pháp thì lần sau có cho cũng không dám lấn. Tương tự như vậy, đối với những việc khác: Một nhà hàng, khách sạn nào đó biết rằng, họ sẽ bị rút giấy phép kinh doanh, sẽ bị tống giam nếu dùng thức ăn bẩn... sẽ không bao giờ anh ta dại dột “tham bát bỏ mâm”. Nếu mọi kẻ đua xe đều bị tịch thu phương tiện thì thử hỏi còn kẻ nào dám đua xe...
Luật pháp có mặt là để tham gia điều hành các hành vi. Nó bao trùm, làm chuẩn mực cho bất cứ công việc gì. Nó vô hình mà luôn hiện hữu và chỉ có như vậy nó mới xứng đáng là công cụ của Nhà nước. Sở dĩ, còn xảy ra những chuyện kể trên là bởi vì chúng ta cứ luẩn quẩn trong sự lẫn lộn giữa luật pháp và những quy định ít nhiều cảm tính. Đã đem luật ra thì trước hết phải coi nó là cơ sở pháp lý cao nhất, bất khả du di, thêm bớt. Có một thực tế tâm lý là: Không ai dám chống lại luật nhưng nhiều kẻ sẵn sàng nhờn luật. Lý do là người thừa hành luật đã chừa cho họ những chỗ có thể lách qua. Thế là chúng ta tự đưa mình vào một tình trạng bi - hài: Càng có nhiều việc cần đến luật càng làm nát luật! Việc nước thành việc làng. Việc làng thành việc họ... Kết quả là bộ máy công quyền ngày một phình to mà không sao ôm xuể những vụ việc phát sinh như dịch bệnh.
Luật là luật chứ không thể cứ tùy tiện biến thành lệ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận