Xã hội

Luật Lực lượng an ninh cơ sở: Một đồng bỏ ra nhưng hiệu quả còn hơn thế

14/03/2022, 12:20

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho rằng, sự ra đời của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở là cần thiết.

Tên gọi cần ngắn gọn hơn

Sáng nay (14/3), Bộ công an tổ chức hội thảo khoa học trực tuyến “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”.

img

Quang cảnh của Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, đa số các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết của việc ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Phát biểu tại hội thảo, Bí Thư tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho rằng, sự ra đời của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở là cần thiết.

“Trước đây khi tham gia Ban thường Vụ Quốc hội, cá nhân tôi cũng có nhiều lần phát biểu về sự cần thiết của luật này. Mặc dù chúng ta đã có lực lượng Công an chính quy về cơ sở. Tuy nhiên, lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự cơ sở là cần thiết, đảm bảo ổn định ở địa phương thì từ đó mới phát triển kinh tế - xã hội”, bà Hải nói.

Bà Nguyễn Thanh Hải cho biết, trong thời gian vừa qua, để đảm bảo an ninh chính trị của tỉnh, đặc biệt là là an ninh xã hội thì lực lượng Công an xã chính quy đã đóng góp rất nhiều.

“Tuy nhiên, thực tế thì có những phát sinh rất thực tiễn như, công an chính quy ở cấp xã rất tốt về nghiệp vụ, được đào tạo bài bản nhưng gặp đồng bào thiểu số thì lại không nói được tiếng của họ. Hoặc là có thể không nắm được hết các mối quan hệ “dây mơ, rễ má” ở các bản làng, vì vậy việc nắm bắt tình hình thực tế còn khó khăn. Nhưng về khía cạnh này thì lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự cơ sở lại thực hiện rất nhuần nhuyễn”, bà Hải nói.

Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết “bản thân tôi đã được tham gia làm luật ở Quốc hội khóa XIV trên cương vị là viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, nay về cơ sở thì đúng thật là thấy sự cần thiết, không thể phát triển kinh tế xã hội, giáo dục nếu an ninh không được đảm bảo”.

Bà Hải cho rằng, liên quan đến chế độ chính sách, kỳ Quốc hội trước, khi thảo luận về dự thảo luật thì rất nhiều đại biểu cũng nêu ra, nếu có lực lượng này thì ngân sách sẽ phải thêm là bao nhiêu và có tương xứng với lợi ích mang lại hay không?

Bà Hải cũng đề nghị là trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Bộ Công an nhấn mạnh thêm đến vấn đề ngân sách như thế nào, đặc biệt là sự tham gia của các địa phương cùng với Trung ương?.

“Ví dụ như Thái Nguyên chúng tôi thấy lực lượng này rất cần thì chúng tôi sẽ dùng ngân sách theo quy định của pháp luật để có thể bù đắp thêm cho lực lượng này. Cần nêu cao tinh thần của các địa phương, địa phương nào thấy cần thiết thì ủng hộ. Việc đầu tư ngân sách là tương xứng với hiệu quả, nhiều khi một đồng bỏ ra nhưng hiệu quả về đảm bảo an ninh chính trị - xã hội còn hơn như thế rất nhiều”, bà Hải nói.

Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên cũng khẳng định, Đoàn Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo tỉnh, và lực lượng Công an tỉnh Thái Nguyên rất ủng hộ việc ra đời của luật này.

Liên quan đến tên gọi của luật, Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên cho rằng, tên gọi đầy đủ, đúng bản chất nhưng hơi dài, nếu được thì cần ngắn gọn, dễ nhớ hơn.

img

Bí Thư tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải

Tránh được sự chồng chéo các lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở

Trình bày tham luận tại hội thảo, GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho hay, từ góc độ pháp lý và thực tiễn cho thấy rất cần thiết phải ban hành đạo luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.

“Hiện nay, tình hình an ninh trật tự và đảm bảo an toàn, an ninh cho cuộc sống của người dân đã có những chuyển biến tích cực, được dư luận xã hội, nhất là dân cư cơ sở đánh giá cao. Tuy nhiên trong thực tế cũng nảy sinh nhiều vấn đề cần được phát hiện và giải quyết như mối quan hệ giữa công an chuyên trách, chuyên nghiệp với công an bán chuyên trách. Tại các xã đã hoạt động trước đây và hiện vẫn đang làm nhiệm vụ tại các địa bàn dân cư”, ông Bảo nói.

GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng, có rất nhiều lực lượng, loại hình khác nhau cùng tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở như: dân quân tự vệ, dân phòng, tổ bảo vệ dân phố, công an bán chuyên trách phải phối hợp, quản lý như thế nào theo chức năng, nhiệm vụ để không chồng chéo, trùng lặp.

Ngoài ra còn có vấn đề kinh phí hoạt động, các nguồn lực huy động (từ Nhà nước và từ dân), chế độ chính sách, đảm bảo lợi ích cho những người tham gia để họ hăng hái, yên tâm hoạt động.

Việc thể chế hóa thành Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở còn cần thiết, bức xúc bởi nó vừa góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cơ sở , thực hiện quy chế và pháp lệnh dân chủ cơ sở hướng vào phục vụ đời sống của người dân. Vừa góp phần xây dựng công an nhân dân từ cơ sở đến toàn quốc tiến lên chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.

“Tôi hoàn toàn đồng ý với những đề xuất của Bộ Công an về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, về các mối quan hệ công tác, kiện toàn, bố trí lực lượng, về chế độ chính sách và các đề xuất, kiến nghị khác”, ông bảo nêu quan điểm.

img

GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương

GS.TS Hoàng Chí Bảo cũng kiến nghị, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong ngành công an, nhất là đối với đội ngũ công an chuyên trách, bán chuyên trách ở xã. Kịp thời đưa luật vào nội dung giảng dạy, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn tại các nhà trường, học viện trong ngành công an, các trường đại học khoa học xã hội nhân văn có đào tạo và nghiên cứu về luật.

Cùng quan điểm, thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng cho rằng, tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh liên quan đến an ninh trật tự, đặt ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các lực lượng chuyên trách đảm bảo an ninh, trật tự.

Mặc dù hiện nay đã bố trí lực lượng công an xã chính quy, chuyên trách, nhưng không vì thế mà không xây dựng lực lượng công an xã bán chuyên trách.

Xuất phát từ yêu cầu khách quan từ tình hình hiện nay, cần có sự tham gia, phối hợp rất quan trọng của các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.

Bởi vì số lượng cán bộ công an xã chuyên trách rất hạn chế (mối xã có từ 3-5 cán bộ), khối lượng công việc nhiều, đảm bảo cả công tác quản lý…trong khi địa bàn nhiều xã là vùng nông thôn, miền núi…địa hình phức tạp, dân cư trải rộng trên địa bàn. Do vậy, việc tiếp tục sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở là cần thiết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.