Tại cuộc họp báo thông báo kết quả phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa diễn ra, liên quan việc xử lý đại án Việt Á, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho biết, đến nay đã khởi tố 33 vụ án/111 bị can với 6 tội danh. Các vụ án đã đến giai đoạn có thể kết thúc điều tra.
Trong số các bị can bị khởi tố liên quan đến đại án Việt Á có ba nguyên Ủy viên Trung ương Đảng là cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng và cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (từ trái qua).
Đáng chú ý, theo lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, vụ án xảy ra trong bối cảnh, điều kiện hoàn cảnh chống dịch đặc biệt, nên nhiều vi phạm, sai phạm là vì mục tiêu chống dịch, liên quan rất nhiều con người, cả ở khu vực công và khu vực tư.
Vì lẽ đó, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã chủ trương chỉ đạo, phân loại, xử lý.
Trong đó đã thống nhất chỉ nghiêm trị những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định đem lại lợi ích bất hợp pháp cho công ty Việt Á; người chủ mưu, cầm đầu, người tích cực thực hiện hành vi vì động cơ vụ lợi đã chiếm hưởng số tiền lớn.
Còn một nhóm “thứ yếu”, là những người phải thực hiện mệnh lệnh và đặc biệt không có động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi, họ là những người ở tuyến đầu chống dịch. Vi phạm của họ chủ yếu trong hoạt động đấu thầu. Với nhóm đối tượng này, chủ trương là tha, miễn trách nhiệm hình sự.
Quả thực, đây là một chủ trương vừa nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, trước một đại án chưa từng có tiền lệ.
Nói là chưa từng có tiền lệ bởi giữa lúc cả nước căng mình chống dịch, người dân phải đối mặt với biết bao khó khăn, nguy hiểm, song lại xảy ra một vụ án tham nhũng có hệ thống, quy mô từ cơ quan, bộ ngành Trung ương đến các địa phương.
Trong số này có 3 nguyên Ủy viên Trung ương là cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng cùng hàng loạt lãnh đạo cấp sở, nhân viên y tế tại nhiều địa phương.
Tới đây, khi đứng trước tòa, tội trạng của họ sẽ được xét xử nghiêm minh, đúng người đúng tội.
Luật pháp bất vị thân, nghiêm trị người phạm tội bất kể người đó là ai, là để loại bỏ những nhân tố xấu, độc, hại và giúp xã hội ngày một phát triển bền vững hơn.
Trước vụ án này, nhiều cựu cán bộ cấp cao, tướng lĩnh quân đội, công an cũng đã phải nhận những bản án thích đáng cho hành vi vi phạm pháp luật của mình. Những bản án nghiêm minh ấy, giống như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, là “để cứu muôn người”.
Nhưng ở chiều ngược lại, chúng ta cũng rất nhân văn khi nhìn nhận trong bối cảnh tổng thể, có những cán bộ mà khi phạm tội, họ buộc phải thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng.
Ở đây, với những cán bộ chống dịch ở tuyến đầu, việc họ thực hiện mệnh lệnh của cấp trên là để nhằm cứu giúp người bệnh. Và quan trọng nhất, họ không có động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi gì từ Việt Á. Bản thân họ có thể cũng không hề biết mưu đồ của những người đã ra lệnh cho mình.
Hiện nay, chúng ta đang khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
Trước thực tiễn nhiều vấn đề mới nảy sinh dễ gây rủi ro khiến cho cán bộ còn chưa phát huy được hết năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thậm chí còn e ngại sợ bị xem xét trách nhiệm, thì việc miễn trách nhiệm hình sự đối với những người không vụ lợi trong vụ Việt Á có thể tiếp thêm động lực cho nhiều người.
Bởi phần nào họ đã thấy được tinh thần nhân văn của Đảng, Nhà nước trong việc đánh giá, xem xét thấu đáo sự việc, chứ không phải đơn thuần chiếu theo quy định của pháp luật để xử lý một sự việc, một con người cụ thể.
TS Phạm Quang Long
Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận