Xã hội

Luật sư: 800 tỷ mất đi hay chuyển từ PVN sang NHNN?

24/03/2018, 15:44

Các luật sư đề nghị VKS đối đáp việc 800 tỷ có thực sự mất đi hay chỉ chuyển từ PVN sang NHNN?

phan-trung-hoai

Luật sư Phan Trung Hoài đối đáp với đại diện VKS để bào chữa cho thân chủ Đinh La Thăng

Chiều 24/3, tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank), các luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng lần lượt đối đáp với các quan điểm, lập luận được VKS đưa ra trong phiên làm việc buổi sáng.

Mong được đối đáp đến cùng

Luật sư Phan Trung Hoài nhấn mạnh, tất cả các vấn đề liên quan đến chứng cứ, tài liệu phải được đối đáp đến cùng. Vì vậy, mong HĐXX dành thời gian thỏa đáng để giúp cho các luật sư trình bày, cùng với đại diện VKS làm rõ sự thật khách quan.

Theo luật sư Hoài, cần xem xét, đánh giá vụ án này trong bối cảnh PVN cũng như các Tập đoàn khác khi đó còn mang tính thí điểm, nên có những thành công và có cả những rủi ro.

Trong phần đối đáp, đại diện VKS nói rằng việc mua ngân hàng Oceanbank 0 đồng khi đó xuất phát từ thực trạng OceanBank đã âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế.... Luật sư Phan Trung Hoài đề nghị VKS đối đáp, vì sao sau quyết định 663 của NHNN mua bắt buộc cổ phần của OceanBank với giá 0 đồng, trong điều lệ vẫn ghi rõ vốn 4.000 tỷ đồng? Đây là vốn điều lệ ghi về mặt hình thức hay bắt buộc Ngân hàng OceanBank (mới) phải có 4.000 tỷ đồng vốn điều lệ?

Theo luật sư, đây là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến vấn đề mua ngân hàng 0 đồng có phải là nguyên nhân chính yếu dẫn đến mất vốn hay không.

Trong quyết định 663, khi mua 0 đồng đối với OceanBank, chấm dứt tư cách cổ đông, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của cổ đông trong đó có PVN. Nhưng theo luật sư Phan Trung Hoài, nội dung của quyết định nói trên không nói rằng PVN bị mất 800 tỷ, vì thực tế khi PVN chấm dứt tư cách cổ đông, NHNN đã thay mặt làm đại diện đại diện phần vốn điều lệ của PVN tại OceanBank sau này. Tư cách và phần vốn góp chỉ chuyển từ PVN sang cho NHNN quản lý và tiếp tục.

Luật sư Phan Trung Hoài cũng đặt câu hỏi cho đại diện cơ quan công tố: “VKS có ý kiến thế nào khi đến năm 2013, PVN vẫn được chia cổ tức. Vì sao quyết định điều tra và cáo trạng không ghi nhận PVN được chi cổ tức 244 tỷ đồng? Cá nhân ông Đinh La Thăng chuyển công tác từ tháng 8/2011, đến 2015 mới có quyết định mua 0 đồng. Vì sao lại quy trách nhiệm cho ông Thăng?” - luật sư Phan Trung Hoài đặt vấn đề.

Nhà nước có thực sự mất 800 tỷ?

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng) cho rằng, VKS tại phiên toà này đã thực hiện theo nguyên tắc “suy đoán có tội” vì mọi xem xét, đánh giá và quan điểm đều mang tính buộc tội các bị cáo nói chung. “Phần đối đáp  tranh luận của VKS sáng nay tiếp tục bộc lộ rõ hơn việc này. Như vậy chưa thể hiện đúng tinh thần của Điều 13 BLTTHS 2015” - luật sư Thiệp mở đầu phần đối đáp.

nguyen-huy-thiep

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đặt vấn đề: "Nhà nước có thực sự mất 800 tỷ, hay chỉ là chuyển danh quản lý từ PVN sang NHNN?"

Theo luật sư Thiệp, về nguyên tắc, tất cả nội dung, quan điểm được đưa ra trong quá trình xét xử phải dựa trên tài liệu, căn cứ đã được thu thập...  Tuy nhiên, có những điểm trong hồ sơ, tài liệu không thể hiện, không được thu thập, được viện dẫn hoặc chứng minh.

“Nếu không có chứng cứ trực tiếp để thể hiện về một nội dung, một tình tiết nào đó, mà phải thông qua suy đoán, suy luận... thì phải suy đoán, suy luận theo nguyên tắc suy đoán vô tội”- luật sư Thiệp phân tích.

Cũng theo luật sư Thiệp, việc mua 0 đồng, mặc dù NHNN đã có văn bản gửi HĐXX trong đó xác định “có căn cứ pháp luật”, nhưng căn cứ được liệt kê chỉ thể hiện “ngân hàng được quyền mua”, không có một chữ nào về việc mua giá bao nhiêu. “Quy trình mua phải được sự đồng thuận của các cổ đông, giá cả theo thỏa thuận. Nhưng ở đây ông Hà Văn Thắm nắm giữ hơn 67% không được thông báo, không có ý kiến; PVN 20% không được thông báo, không được thỏa thuận. NHNN đơn phương ra một quyết định mua bằng 0 đồng/cổ phần”- Luật sư Thiệp phân tích.

Luật sư của bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, công văn của NHNN mang những nội dung để khỏa lấp, bảo vệ quyền và lợi ích của những người liên quan đến việc mua 0 đồng. “Hôm qua, có luật sư đặt ra rằng việc mua 0 đồng chính là cố ý làm trái. Tôi cho rằng nghiêm trọng hơn, nó nằm trong nhóm tội phạm về tham nhũng: lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”- ông Thiệp nói.

“Giá trị chứng minh của tài liệu này có đạt được không? Có thể dùng tài liệu này làm chứng cứ không? Tôi cho rằng không thỏa mãn các thuộc tính của chứng cứ, không bảo  đảm tính khách quan nên không thể áp dụng tài liệu này để buộc tội các bị cáo”- luật sư Thiệp nói.

Từ một số quan điểm đã nêu ra để đối đáp với đại diện VKS, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị VKS tập trung tranh luận vào mối quan hệ nhân quả.

Ông đặt vấn đề: “Căn cứ nào khẳng định 800 tỷ bị mất đi do việc góp vốn? 800 tỷ này chuyển giao cho Oceanbank để quản lý, sử dụng, khai thác, và quá trình này không phải hoạt động của các bị cáo đang ngồi đây, vậy tại sao hành vi của người khác lại bắt các bị cáo lại phải chịu trách nhiệm? Trách nhiệm quản lý điều hành dẫn đến lỗ, âm vốn rồi khiến Ngân hàng bị mua 0 đồng không phải của các bị cáo”.

Cũng theo luật sư Nguyễn Huy Thiệp, NHNN mua Oceanbank bằng 0 liệu có phải Nhà nước mất đi 800 tỷ, hay chỉ là chuyển giao người có trách nhiệm quản lý số tiền này từ PVN sang NHNN? Ông nói rất muốn tranh luận với VKS về nội dung này theo đúng tinh thần cải cách tư pháp. 

Trong phiên xét xử sáng 24/3, Viện kiểm sát đã bác toàn bộ các quan điểm bào chữa của các luật sư và bị cáo đưa ra trước đó.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.