Xã hội

Luật sư: Cấm ghi âm ghi hình nơi tiếp dân là trái luật

08/01/2019, 15:56

Theo luật sư, việc Hà Nội quy định người dân không được ghi âm, ghi hình nơi tiếp công dân là trái pháp luật.

083205-ha-noi-noi-ly-do-cam-ghi-hinh-can-bo-tiep-d

Một buổi tiếp công dân của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Mới đây Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký văn bản quyết định ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố, trong đó nêu rõ quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

Quy định này đã làm dấy lên tranh cãi bởi nhiều quan điểm cho rằng nó đã làm xâm phạm đến quyền lợi của công dân.

Về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP HCM nêu quan điểm: 

Đều 2 Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” do đó những công chức, viên chức làm nhà nước họ bắt buộc phải hiểu nghĩa vụ và trách nhiệm của mình là vì dân như thế nào.

Hiến pháp 2013 cũng đã quy định tương đối đầy đủ các quyền tự do cơ bản của công dân, theo đó: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân... 

Với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và thực hiện quyền giám sát của công dân đối với hoạt động của các cán bộ, viên chức, của cơ quan nhà nước thì việc ghi âm, ghi hình sẽ có tác dụng trong việc thu thập các chứng cứ, thực hiện quyền giám sát để những người thi hành công vụ có ý thức tốt hơn, có trách nhiệm hơn trong việc phục vụ nhân dân, thể hiện công khai, minh bạch, dân chủ.

Bên cạnh đó trong Luật Tiếp công dân không có quy định cấm hay hạn chế công dân quay phim, chụp ảnh khi thực hiện thủ tục tiếp công dân.

Tóm lại, theo tinh thần của Hiến pháp, công dân được làm những gì pháp luật không cấm, vì thế quy chế cấm người dân quay phim, chụp ảnh là trái luật, trái với quyền dân chủ và thực hành giám sát của công dân. 

Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, cán bộ tiếp công dân là những người đại diện cho quyền lực nhà nước thực thi công vụ, là hình ảnh đại diện cho bộ máy quản lý nhà nước. Đây là quan hệ hành chính nhà nước chứ không phải quan hệ dân sự thông thường và không thuộc phạm vi bí mật đời tư.

Trụ sở tiếp công dân là nơi người dân thường xuyên ra vào nên không thuộc khu vực cấm, địa điểm cấm. Chỉ ở những nơi được coi là thuộc phạm vi bí mật Nhà nước như khu vực an ninh, quốc phòng hay các nơi có biển cấm hoặc quy định hạn chế thì người quay phim, chụp hình bắt buộc phải có sự cho phép của cơ quan chức năng, của đơn vị có thẩm quyền.

Nếu những đoạn phim, hình ảnh do công dân quay được thể hiện cán bộ tiếp công dân có hành vi sai trái, không đúng với các quy định pháp luật thì người dân có quyền sử dụng làm bằng chứng tố cáo lên cơ quan có thẩm quyền.

Việc lo ngại các trường hợp công dân lợi dụng việc ghi âm, ghi hình để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cán bộ tiếp công dân hoặc thực hiện những hành vi nêu trên để gây rối trật tự công cộng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... theo tôi không phải là vấn đề đáng bàn.

Bởi lẽ, dù luật không có quy định cấm quay phim, chụp ảnh nhưng lại cấm phát tán bừa bãi. Nếu người dân cố ý quay phim, chụp ảnh là để nhằm đưa thông tin phiến diện, tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân người bị đăng tải, lợi dụng vào đó kích động quần chúng, lôi kéo dụ dỗ người dân tham gia vào các hoạt động chống phá chính quyền thì đó là hành vi phạm pháp. Người vi phạm sẽ xử phạt theo Luật An ninh mạng hoặc có thể bị xử lý hình sự.

Theo tôi cần phải phát huy mặt tích cực của công nghệ trong việc giám sát của người dân. Nếu không sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình trong quá trình tiếp công dân thì sẽ không phát huy được mặt tích cực của công nghệ.

Việc ghi hình, sử dụng các thiết bị giám sát trong quá trình tiếp công dân sẽ là những chứng cứ khách quan, quan trọng để xem xét việc tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức cũng như của công dân khi thực hiện luật tiếp công dân. Khi có sự kiện pháp lý xảy ra, có những tình huống va chạm, mâu thuẫn thì những chứng cứ ghi âm, ghi hình này là rất cần thiết để xử lý bất cứ bên nào (người tiếp công dân hoặc công dân) khi những người đó có hành vi vi phạm nội qui, vi phạm pháp luật.

Hiện nay, tôi thấy trên mạng cũng có nhiều clip rất hay về thái độ làm việc của các cảnh sát và ngay cả các đồng chí cảnh sát đó cũng đồng ý cho ghi hình vì họ làm đúng nên không việc gì phải sợ dân ghi lại

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.