Phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại PVC |
Tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án PVC, sáng 11/1, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho ông Đinh La Thăng hỏi thân chủ của mình về những nội dung và kết luận của ông Thăng được đưa ra trong cuộc họp của lãnh đạo Tập đoàn PVN ngày 31/3/2011, trong đó, bị cáo Vũ Huy Quang đã báo cáo chi tiết sai sót của Hợp đồng 33.
Giai đoạn ký hợp đồng 33, trách nhiệm thuộc về PVPower
Trả lời luật sư, ông Thăng nói cuộc họp có rất nhiều nội dung, căn cứ vào các quy định thì ông có kết luận giải quyết đề xuất, báo cáo của các đơn vị. “Các cuộc họp đều có dự thảo kết luận gửi cho các đơn vị, cá nhân liên quan để thống nhất trước khi ban hành thông báo kết luận” - ông Thăng nói.
Theo ông Thăng, trong cuộc họp ngày 31/3/2011 cũng như tất cả các cuộc họp khác đều có báo cáo về hợp đồng 33, điều này đã được các bị cáo khác như bị cáo Phùng Đình Thực, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh khai báo trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra cũng như tại phiên toà. “Bản thân bị cáo cũng không biết Hợp đồng 33 không có hiệu lực” - ông Thăng khẳng định.
Ông cho biết, về trình tự, tất cả mọi chỉ đạo, quyết định của Ban lãnh đạo Tập đoàn, bao gồm cả Chủ tịch HĐTV, Chủ tịch, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc đều khẳng định nếu vi phạm quy định của pháp luật thì người thực hiện có quyền không thực hiện. Nếu người thực hiện có báo cáo nhưng người ra lệnh vẫn yêu cầu phải thực hiện thì người thực hiện có quyền bảo lưu bằng văn bản.
Khi được luật sư hỏi ai là người chịu trách nhiệm đáp ứng và thực hiện các quy định về hợp đồng này, là người tham gia ký kết hợp đồng hay của người quản lý, ông Thăng cho biết, theo quy định của pháp luật, chủ thể hợp đồng là người chịu trách nhiệm về giá trị pháp lý của hợp đồng. Với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 thì HĐTV PVN đã giao cho HĐTV PVPower quyết định việc lựa chọn nhà thầu, quyết định đàm phán và ký kết hợp đồng. Và hợp đồng có hiệu lực khi HĐTV của PVPower phê duyệt chứ không phải HĐTV của Tập đoàn PVN, vì lúc đó PVPower là chủ đầu tư.
“HĐTV của PVN, ban TGĐ của PVN có quyền can thiệp vào quá trình thương thảo, chuẩn bị các điều kiện và ký kết hợp đồng không?” - luật sư Thiệp hỏi thân chủ. Ông Thăng nói, PVPower là một đơn vị hạch toán độc lập và theo quy định, PVPower phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tất cả các chữ ký của mình. Còn HĐTV, TGĐ hay các Phó TGĐ của tập đoàn không được quyền can thiệp vào, đây là quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Luật sư tiếp tục đặt vấn đề: “Giai đoạn ký hợp đồng 33, trách nhiệm triển khai thực hiện quá trình để ký kết và đảm bảo các điều kiện ký kết hợp đồng 33 là của PVPower. Sau này, khi bắt đầu chuyển chủ đầu tư về PVN thì trách nhiệm đó của PVN. Thực tế cho thấy PVN khi thực hiện trách nhiệm của chính mình đã thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật?”.
Ông Thăng khẳng định đúng như ý kiến luật sư nói. Khi chuyển chủ đầu tư về Tập đoàn PVN, anh Thực (bị cáo Phùng Đình Thực) đã có chỉ đạo rà soát lại và ký hợp đồng mới vì chủ thể lúc đó chuyển từ PVPower về PVN.
“Thời kỳ trước đây 2 công ty con của PVN là PVC và PVPower ký hợp đồng với nhau, còn sau đó là Tập đoàn ký với PVC nên đã tiến hành ký lại hợp đồng theo quy định của pháp luật” – ông Thăng khai trước toà. Ông cũng đồng tình với quan điểm của luật sư khi cho rằng PVN không thể chịu trách nhiệm hoặc không phải tiếp nhận những việc làm của tổ chức khác, của DN khác.
Không thể giám định thiệt hại kiểu “vơ đũa cả nắm”
Chuyển sang vấn đề giám định thiệt hại của vụ án, luật sư Nguyễn Huy Thiệp dành câu hỏi cho giám định viên tài chính.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp là người bào chữa cho ông Đinh La Thăng, không đồng tình với cách tính thiệt hại trong kết quả giám định |
“Chiều qua, ông trả lời rằng nếu không sử dụng sai mục đích thì không có thiệt hại, đúng không?” – luật sư hỏi.
Dù câu hỏi luật sư đưa ra rất rõ ràng nhưng giám định viên lại trả lời một cách khó hiểu, theo đó khẳng định tất cả những nội dung đều nằm trong kết luận giám định. Còn ngày hôm qua có trao đổi, trong tình huống tranh luận, giám định viên nói trường hợp sử dụng sai mục đích đã có kết luận giám định.
Luật sư Thiệp tiếp tục đưa ra lập luận: Trong bản kết luận có 2 giai đoạn: giai đoạn đầu kết luận thiệt hại 51 tỷ nhưng giai đoạn này không phải sử dụng sai mục đích mà là ứng không đủ điều kiện, còn giai đoạn 68 tỷ mới là hậu quả của việc sử dụng sai mục đích.
Giám định viên cho biết, trong phần cuối của bản kết luận giám định có nói số thiệt hại tính tổng thể chung là 119 tỷ, chia và phân loại trách nhiệm từng cấp khác nhau, còn thiệt hại đều là trách nhiệm chung liên quan đến gây thiệt hại cho PVN.
“Tất cả vấn đề phải có căn cứ cụ thể chứ không thể “vơ đũa cả nắm”. Trong tổng số 119 tỷ thiệt hại mà ông nói có hai gạch đầu dòng, với hai giai đoạn, với 2 cách tính. Và trong đó 51 tỷ được xác định là thiệt hại của giai đoạn tạm ứng không đủ điều kiện, còn 68 tỷ là kết luận thiệt hại của sử dụng sai mục đích. Nhưng với phần trả lời của ông từ hôm qua đến sáng nay thì cho thấy không còn tồn tại hậu quả của việc tạm ứng không đủ điều kiện mà là hậu quả của việc sử dụng sai gây thiệt hại?” – luật sư Thiệp phân tích, cho thấy sự không hợp lý trong cách tính thiệt hại mà giám định viên nêu ra.
Lúc này, giám định viên phản hồi và cho rằng, xét vấn đề phải xâu chuỗi. Nếu không ứng sai thì tiền ở tại ngân hàng, ứng mà PVC không sử dụng sai thì cũng không gây hậu quả. Phải xâu chuỗi, còn ý kiến tôi đã thể hiện trong kết luận.
Khi luật sư còn đang nói, giám định viên dứt khoát ngắt lời và nhắc lại hai lần “tôi xin hết ý kiến”.
Luật sư bày tỏ thái độ không hài lòng trước câu trả lời và thái độ phản ứng của giám định viên tài chính.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận