Điều tra

Luật sư nói gì từ vụ truy sát kinh hoàng tại Bạc Liêu?

25/07/2018, 20:24

Việc giao cho gia đình quản lý đối tượng tâm thần đang hết sức khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

truy sat baclieu

Đối tượng mang dao truy sát nhiều người dù không hề quen biết họ. Ảnh Gia Minh

Liên quan đến vụ truy sát kinh hoàng ở Bạc Liêu xảy ra vào chiều 24/7 khiến 12 người thương vong, các nạn nhân bị thương đang được điều trị tích cực tại các bệnh viện. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ tiếp nhận 3 trường hợp.

Hai cha con cùng bị chém

Chiều ngày 25/7, trao đổi với Báo Giao thông, Bác sĩ Lê Hoàng Phúc, Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết, vào khoảng 19h30 ngày 24/7, Khoa cấp cứu bệnh viện tiếp nhận 3 trường hợp bệnh nhân được chuyển đến từ bệnh viện Bạc Liêu.

Các bệnh nhân gồm: cháu Hồ Thị Bích Ngọc (SN 2009) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu với vết thương phức tạp trên đầu, rách màng cứng; bà Huỳnh Thị Hòa (SN 1955) nhập viện trong trạng thái lơ mơ, vết thương đỉnh đầu, chảy dịch não và cháu Hồ Minh Duy (SN 2006, cùng ngụ xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) với vết thương trên đỉnh đầu.

Đối với trường hợp cháu Ngọc sau thăm khám, do diễn biến nặng nên nên được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) để điều trị. 

Còn trường hợp bà Hòa, kết quả CT cho thấy, bệnh nhân bị lún sọ, máu tụ ngoài màng cứng nên các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật ngay trong đêm. Hiện tình hình sức khỏe của bệnh nhân đã tạm ổn, vẫn còn đang thở máy và đang được theo dõi tích cực tại phòng hậu phẫu.

Riêng bệnh nhân Duy, qua các thực hiện các biện pháp cận lâm sàng cho kết quả cháu bị nứt sọ, máu tụ ngoài màng cứng ít nên được chỉ định điều trị nội khoa.

Theo lời chị Thạch Thị Lý Phương Duyên (SN 1973) mẹ cháu Duy kể lại, chiều ngày 24/7, cháu đang ngồi trước cửa nhà thì đột nhiên có một đối tượng xông vào dùng dao chém vào đầu. Nghe thấy con kêu cứu, cha Duy là anh Hồ Quang Trang từ trong nhà chạy ra ứng cứu. Hậu quả anh Trang cũng bị đối tượng chém nhiều nhát vào người.

“Lúc nghe thằng nhỏ la, anh ấy nhào ra lấy tay đỡ cho con, không là nó chết rồi. Riêng anh ấy, bàn tay bị chém nát hết, còn nhiều vết dao sượt qua bụng nữa. Cũng may là dao đó không sắc lắm chứ nếu không, chồng con tôi chắc khó lòng sống nổi. Giờ tôi phải lên đây chăm sóc cho Duy, còn ảnh thì chỉ có một thân một mình ở bệnh viện Bạc Liêu điều trị”. Chị Phương Duyên bần thần kể lại.

Cũng theo lời chị Duyên, gia đình đối tượng gây ra sự việc kinh hoàng nói trên ở cách nhà chị vài trăm mét. Nhưng từ nhiều năm trước, người này đã lấy vợ và về Trà Vinh sinh sống. Gia đình chị hoàn toàn không quen biết người đàn ông này. “Hôm đó nhà ai mà đóng cửa thì may mắn không bị gì, còn nhà nào mà mở cửa là ông ấy chạy vô, đụng ai là chém người đó”, chị Phương Duyên nói.

truy-sat-bac-lieu

Cháu Hồ Minh Duy đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh Lê An

Người bệnh tâm thần là nỗi lo cho cộng đồng

Trong thời gian qua, đối với vấn đề người mắc bệnh tâm thần gây án không phải là trường hợp hiếm gặp. Mới đây, tại xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) cũng đã xảy ra một vụ án mạng khiến 3 người tử vong. Đã có nhiều cảnh báo được đưa ra để hạn chế người tâm thần gây án nhưng đến nay, những vụ án mạng thương tâm vẫn xảy ra khiến dư luận bàng hoàng. 

Luật sư Nguyễn Văn Đức, Phó Trưởng văn phòng luật sư Vạn Lý, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ chia sẽ: “Hiện nay người mắc bệnh tâm thần được quản lý, theo dõi, điều trị tại gia đình chiếm tỷ lệ lớn. Bởi do văn hóa, lối sống, đạo đức và thuần phong của người Việt ta có từ lâu. Tuy nhiên, việc giao cho gia đình quản lý đối tượng này đang hết sức khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với cộng đồng, cho xã hội, đây là lỗ hổng trong việc quản lý cũng như quy định pháp luật”.

Theo Luật sư Đức, người mắc bệnh tâm thần được chia làm hai dạng, đó là: Người bị hạn chế Năng lực hành vi dân sự hay người bị mất năng lực hành vi dân sự. Việc xác nhận họ bị hạn chế hay bị mất năng lực hành vi dân sự dựa trên quyết định của Tòa án trên cơ sở yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan.

Luật sư nhận định, người bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì theo quy định pháp luật Hình sự họ không phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 21 BLHS năm 2015). Trong trường hợp người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự ( Khoản 2 Điều 49 BLHS năm 2015).

Trước đó, Báo Giao thông đã đưa tin, vào chiều 24/7, Thạch Sà Khên (SN 1983, ngụ xã Hưng Hội) bất ngờ vác dao và một khúc gỗ, truy sát hàng chục người tại ấp Đay Tà Ni, xã Hưng Hội, khiến 2 người chết và 10 người bị thương.

Nhận được tin báo, lực lượng công an huyện Vĩnh Lợi đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị chức năng có mặt tại hiện trường, khống chế và bắt giữ Khên. Đồng thời, đưa người bị thương đến Trạm Y tế xã Hưng Hội và Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu cấp cứu.

Được biết, nghi phạm Thạch Sà Khên đã có vợ con. Sau đó, đối tượng đến tỉnh Trà Vinh sinh sống và trở về địa phương từ vài ngày trước.

Hiện, cơ quan công an đang tạm giữ đối tượng Khên để phục vụ công tác điều tra. Qua xác minh ban đầu, cơ quan chức năng xác định, nghi phạm Khên có tiền sử của bệnh tâm thần đã nhiều năm nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.