Luật sự nói gì về vụ việc Châu Bùi bị quay lén?
Liên quan đến sự việc fashionista Châu Bùi bị quay lén hình ảnh thay đồ tại một studio ở TP.HCM, chiều 25/6, công an quận 3 (TP.HCM) cho biết đã tiếp nhận vụ việc và xử lý theo quy định pháp luật.
Hiện, cơ quan điều tra đã triệu tập nam thanh niên sinh năm 2000 liên quan đến vụ việc. Tại buổi làm việc với cơ quan công an, người này thừa nhận hành vi quay lén Châu Bùi và cho hay đây là lần đầu tiên thực hiện hành vi này.
Châu Bùi nói cô sốc và hoảng sợ khi phát hiện bị quay lén.
Trả lời Báo Giao thông, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng luật sư Đồng đội (đoàn luật sư TP Hà Nội) khẳng định, pháp luật Việt Nam luôn đảm bảo quyền riêng tư về hình ảnh của mỗi cá nhân. Bất kỳ hành vi quay phim, chụp ảnh nào đối với người khác thì phải được sự đồng ý của người có hình ảnh.
Theo luật sư Tiền, hành vi quay lén khi chưa được sự đồng ý của người khác là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân theo quy định tại Điều 32 và Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi đặt camera quay lén có thể bị phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng. Đồng thời, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc hủy bỏ thông tin cá nhân có được do thực hiện hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường thiệt hại.
"Trong trường hợp người đặt camera quay lén sử dụng hình ảnh, thông tin của Châu Bùi với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, làm giảm uy tín của nữ người mẫu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo "Tội làm nhục người khác" theo quy định tại điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có mức phạt tù cao nhất lên đến 5 năm.
Trường hợp, người đặt camera quay lén dùng clip quay lén để uy hiếp, tống tiền nữ Châu Bùi hoặc người khác thì người có hành nói trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm.
Trường hợp, người đặt camera quay lén sau đó tàng trữ, lưu hành, trao đổi, vận chuyển, mua bán nhằm phổ biến nội dung nhạy cảm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy" theo quy định tại Điều 326 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt tù cao nhất lên đến 15 năm", luật sư nói.
Qua vụ việc Châu Bùi bị quay lén, luật sư Trần Xuân Tiền nhận định, hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Nhiều loại camera quay lén bày bán tràn lan trên thị trường làm ảnh hưởng đến quyền riêng tư và sinh hoạt cá nhân.
"Do vậy, mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ, khi đến các nơi công cộng hoặc nơi xa lạ, cần hết sức thận trọng vì các camera quay lén có thể cài cắm ở bất cứ nơi đâu", vị luật sư đưa ra lời khuyên.
Camera giấu kín từng là nỗi ám ảnh với phụ nữ nói chung và nghệ sĩ nữ ở Hàn Quốc nói riêng. Dữ liệu của cảnh sát quốc gia Hàn Quốc cho thấy một xu hướng đáng lo ngại, rằng các vụ quay phim bất hợp pháp đã tăng 20% từ năm 2019-2022.
Tháng 5/2020, Hàn Quốc ban hành luật Bạo lực tình dục sửa đổi. Theo đó, việc quay phim các cá nhân mà không có sự đồng ý nhằm mục đích thỏa mãn tình dục được tăng mức phạt tối đa là 7 năm tù và số tiền phạt lên tới 50 triệu won (khoảng hơn 917 triệu đồng). Ngoài ra, những người bị phát hiện sở hữu, chia sẻ hoặc xem nội dung như vậy phải đối mặt với án tù ba năm và phạt tiền 30 triệu won (330 triệu đồng).
Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn tiếp tục phải vật lộn với các hình thức tuyên án khoan hồng. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Tội phạm học Hàn Quốc cho thấy 61% bị cáo trong phiên tòa đầu tiên nhận án treo. Trong khi đó, chỉ có khoảng 24% trường hợp bị phạt tiền và chỉ có 15% bị phạt tù.
"Mọi người vẫn không coi đây là một loại tội phạm nghiêm trọng. Những hình ảnh được quay lén thường được coi là 'tài liệu'" giải trí, thư giãn, bắt nguồn từ quan niệm tình dục hoá phụ nữ một cách cố hữu", Kwack Dae Gyung - Giáo sư tại Trường Cao đẳng Quản lý Cảnh sát và Tư pháp Hình sự thuộc Đại học Dongguk nói trên Korea Pro.
Studio nơi Châu Bùi bị quay lén lên tiếng
Ngày 25/6, phía studio W - nơi xảy ra sự việc lên tiếng xin lỗi và giải thích rằng trong 1 tháng trở lại đây, nơi này đã tạm ngừng hoạt động để nâng cấp sửa chữa nên nhân viên thường xuyên không có mặt tại studio. Tuy nhiên, studio vẫn nhận hỗ trợ ê kíp sử dụng cho các trường hợp phát sinh không nằm trong dự kiến.
"Vào ngày 23/6, do có sự thay đổi đột ngột về địa điểm thử đồ, ê kíp đã liên hệ với chúng tôi để sử dụng studio. Vì đã hợp tác nhiều lần và do tính chất gấp rút của việc thử đồ, chúng tôi đã bàn giao chìa khóa cho ê kíp mà không có nhân viên trực tại studio. Chúng tôi thừa nhận đây là một sai sót nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm", phía studio cho biết.
Phía studio chia sẻ ngay khi sự việc xảy ra, quản lý đã có mặt kịp thời để giải quyết vấn đề và phối hợp với công an cùng ê kíp của Châu Bùi đưa nghi phạm ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trước đó, vào tối 24/6, Châu Bùi đăng bài viết cho biết bản thân trở thành nạn nhân bị quay lén trong nhà vệ sinh thuộc studio ở quận 3 (TP.HCM).
Nữ fashionista kể trước khi đến, đội sản xuất đã kiểm tra các phòng có thể dùng để thay đồ vì studio có nhiều camera, nên nhà vệ sinh được chọn là nơi kín đáo và an toàn nhất.
Sau khoảng 30 phút thay đồ trong phòng, Châu Bùi nhìn về phía cây sắt trong góc nhà vệ sinh và thấy một vật thể hình tròn màu đen được che dưới khăn. Sau tìm hiểu, ê kíp phát hiện đó là camera quay lén.
Làm việc với studio, ê kíp thấy bạn nam N.T.H là người đầu tiên và duy nhất xuất hiện trước khi mọi người đến. Qua trao đổi, người này đã thừa nhận việc mình lắp camera quay lén.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận