Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Dương Lê Sơn, Văn phòng luật sư Lê Sơn (Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk), cho biết, với thông tin việc Báo Giao thông phản ảnh về việc đại lý Hiền Hiên (thôn Liên Trung, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) có dấu hiệu lừa đảo cà phê của người dân, với hình thức nhận ký gửi, sau đó tẩu tán cà phê, không trả cho dân. Tổng giá trị cà phê của người dân bị lừa lên tới hàng trăm tỉ đồng cho thấy có dấu hiệu cấu thành tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 175 BLHS.
Theo quy định tại khoản 1, khoản 4 điều 175 BLHS cho thấy Đại lý Hiền Hiên có dấu hiệu rất rõ nét và đủ yếu tố cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Việc Đại lý Hiền Hiên nhận hình thức ký gửi cà phê của người dân bằng hình thức hợp đồng dân sự, sau đó không trả cho nhiều người dân khi đến kỳ hạn, bằng việc dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, mặc dù có điều kiện để trả nợ nhưng không trả cho người dân đã đủ yếu tố cấu thành tội danh này.
Cũng theo quy định tại khoản 4, điều 175 BLHS nếu tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm tù. Đồng thời theo quy định tại khoản 5 điều luật này thì còn có thể bị phạt tiền từ 10 -100 triệu đồng, cấm hành nghề từ 1 -5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Về việc phản ánh của Báo Giao thông, đại lý Hiền Hiên còn có dấu hiệu cho vay nặng lãi, người dân phải trả lãi cao đến 24%/năm. Theo luật sư Dương Lê Sơn, quy định của BLDS tại điều 468 BLDS 2015 thì lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, có nghĩa là 1,66%/tháng.
Theo quy định tại Điều 201 BLHS quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì hành vi cho vay lãi mà gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định định thì bị xử lý hình sự. Như vậy, việc cho vay lãi cao đến 24%/năm chưa đủ yếu tố cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Liên quan đến vụ việc, sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của người dân, ngày 24/3, Công an tỉnh đã có Thông báo số 738/VPCQCSĐT gửi cho người dân có đơn tố giác, về việc tiếp nhận đơn tố giác tội phạm. Thông báo ghi rõ: "Căn cứ các điều 36,145 và 146 Bộ luật Tố tụng Hình sự, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng đang tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung trên".
Căn cứ vào Văn bản của Công an (nêu trên), luật sư Dương Lê Sơn, cho biết: Theo quy định tại khoản 1 điều 147 BLTTHS thì thời gian xử lý tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố được thực hiện trong vòng 20 ngày, kể từ ngày nhận được tin báo, cơ quan điều tra phải ban hành quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Tại khoản 2 điều luật này quy định với những vụ việc có tính chất phức tạp thì có thể kéo dài thời gian giải quyết nhưng không quá 2 tháng, được gia hạn thêm 2 tháng ( tức chậm nhất là 4 tháng) để xử lý tin báo tội phạm.
Như vậy, với vụ việc này, nếu cơ quan điều tra xác định có tính chất phức tạp thì thời gian xử lý tin báo tội phạm có thể kéo dài đến 4 tháng.
Trước đó Báo Giao thông đã có loạt bài điều tra, phản ánh người dân xã Hoài Đức, Lâm Hà, Lâm Đồng gửi hàng chục ngàn tấn cà phê vào kho của đại lý Hiền Hiên có nguy cơ mất trắng.
Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Hoài Đức, xác nhận với phóng viên, việc người dân thôn Minh Dương phản ánh là hoàn toàn đúng. Xã Hoài Đức không chỉ hơn 100 hộ dân thôn Minh Dương gửi cà phê cho kho Hiền Hiên, có đến 4 thôn là Minh Dương, Quế Dương, Minh Quang, Minh Thành.
Ngay cả đến cán bộ xã cũng bị vợ chồng Hiền Hiên lừa gửi cà phê vào kho của họ. Đó là gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã đã gửi vào kho của Hiền Hiên đến hơn 40 tấn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận