Hỏi - Đáp

Luật sư nói gì vụ “doanh nghiệp 3 tháng tiếp 5 đoàn thanh tra”?

11/11/2019, 14:31

Theo ý kiến luật sư, trong 3 tháng mà doanh nghiệp (DN) ở Cà Mau phải tiếp 5 đoàn thanh tra khác nhau là bất thường.

img
Doanh nghiệp ở Cà Mau "cầu cứu" tỉnh vì trong 3 tháng phải tiếp nhiều đoàn thanh tra. Ảnh minh họa

Liên quan đến vụ “3 tháng tiếp 5 đoàn thanh tra, DN ở Cà Mau “cầu cứu” tỉnh”, luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tín Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, trong 3 tháng một DN ở Cà Mau đã phải tiếp đến 5 đoàn thanh tra khác nhau là bất thường.

Bởi theo luật sư Lễ, trong hệ thống pháp luật Việt Nam có quy định các hoạt động thanh tra, kiểm tra nằm trong các luật chuyên ngành theo từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, Luật Thanh tra năm 2010 là văn bản pháp quy chuyên ngành Thanh tra mà các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ trong hoạt động thanh tra.

Luật sư Lễ cho rằng, Luật Thanh tra năm 2010 có quy định tại Điều 13 về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra: - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra; - Thanh tra không đúng thẩm quyền, phạm vi, nội dung thanh tra được giao.

Như vậy, việc thanh tra phải đúng thẩm quyền, đúng nội dung, đúng đối tượng thanh tra theo quy định pháp luật. Nhưng không thể thanh tra dồn dập, liên tục trong một thời gian ngắn đối với DN mà không có lộ trình phù hợp với hoạt động kinh doanh của DN; ngoại trừ vụ việc phát hiện vi phạm nghiêm trọng của DN cần phải thanh tra đột xuất để ngăn chặn hậu quả, tác hại nghiêm trọng có thể xảy ra”, luật sư Lễ nêu quan điểm.

Đồng thời, nhằm bảo vệ quyền hoạt động kinh doanh hợp pháp của DN, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN. Trong đó, nhấn mạnh không được thanh tra, kiểm tra DN quá 1 lần/năm, không làm cản trở hoạt động bình thường của DN.

Bên cạnh đó, luật sư Lễ cũng chỉ ra những nét chính của Chỉ thị Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể: Căn cứ Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 /5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Thủ tướng chỉ đạo:

1. Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với DN; không làm cản trở hoạt động bình thường của DN.

2. Chỉ đạo tiến hành các cuộc thanh tra theo đúng định hướng, kế hoạch thanh tra đã phê duyệt; nội dung thanh tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao.

3. Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm.

4. Trường hợp phát hiện nội dung, phạm vi thanh tra chồng chéo, trùng lặp với cơ quan thực hiện chức năng thanh tra khác… thì có giải pháp phù hợp tránh chồng chéo, trùng lặp và đảm bảo tính kế thừa trong hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị.

5. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp theo thẩm quyền về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiếm tra; xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo.

Như Báo Giao thông đã đưa tin, tại buổi Họp mặt, đối thoại với doanh nghiệp hồi cuối tháng 10/2019 với UBND tỉnh Cà Mau, đại diện Công ty TNHH Thanh Sơn phản ánh, trong khoảng 3 tháng (từ tháng 3 đến tháng 6/2019), DN này đã phải tiếp đến 5 đoàn thanh tra, gồm: Sở Giao thông vận tải, Cục Thuế, Liên ngành Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Đây là thời gian vào mùa cao điểm kinh doanh, việc tiếp đón nhiều đoàn thanh tra đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.