Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng Luật Giải Phóng: Có dấu hiệu lọt tội
Xem lại clip về nữ hành khách Lê Thị Hiền gây rối ở sân bay Tân Sơn Nhất, có thể thấy hành vi này diễn ra tại khu vực quầy làm thủ tục, đây không phải khu vực hạn chế nhưng là khu vực nằm trong khuôn viên của cảng hàng không.
Việc ban hành Quyết định xử phạt 200.000 đồng như hiện tại là áp dụng theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: Phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng với người có hành vi "Gây mất trật tự ở cảng hoặc ở nơi công cộng khác". Có thể thấy, mức phạt này là mức trung bình của khung phạt hành chính nêu trên.
Nhưng sẽ hợp lý hơn nếu xử phạt hành chính bằng Nghị định xử phạt chuyên ngành liên quan đến vấn đề hàng không dân dụng theo Nghị định 162/2018/NĐ-CP. Trường hợp này cần xác định rõ nơi diễn ra hành vi để xem xét khoản 3 và 4 của Điều 26 Nghị định 162/2018/NĐ-CP về vi phạm quy định về an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay.
"Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng mức xử phạt như vậy là quá nhẹ và không có tính răn đe xử lý, cũng là dấu hiệu cho thấy nếu chỉ dừng ở đây thì có thể cơ quan chức năng đang bỏ lọt tội phạm", luật sư Hưng nói.
Qua các clip có thể thấy, bà Hiền có hành vi lăng mạ, chửi bới nhân viên của Vietnam Airlines ở ngay quầy làm thủ tục, nơi xuất hiện rất đông người. Những lời nói và hành vi của bà Hiền rất hung hăng và thoá mạ nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác. Đồng thời, bà này còn có hành vi đánh nhân viên an ninh và có những hành động cản trở việc thực hiện công vụ của họ. Đây là các dấu hiệu rất rõ ràng của tội gây rối trật tự công cộng.
Ngoài ra, về vấn đề tư cách đảng viên, chiến sĩ CAND, có hai yếu tố cần phải xem xét trước khi xử lý. Thứ nhất là hành vi vi phạm pháp luật đã thể hiện rõ qua hành vi và các hậu quả bước đầu khi bị xử phạt hành chính.
Thứ hai là bà Hiền còn có biểu hiện vi phạm đạo đức, vi phạm tác phong, lối sống và cách ứng xử theo Điều lệ Đảng và Luật Công an nhân dân về tiêu chuẩn đối với chiến sĩ, sĩ quan CAND. Vấn đề này có thể xem xét kỉ luật trong ngành tùy vào mức độ vi phạm tương ứng.
Luật sư Nguyễn Doãn Hải - Giám đốc Công ty Luật hợp danh Nam Việt Luật: Chỉ xử phạt 200.000 đồng là chưa thỏa đáng
Hiện có 2 Nghị định của Chính phủ cùng đề cập đến việc xử phạt hành vi gây rối là Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Theo nội dung sự việc được các phương tiện thông tin công bố, sau khi được bàn giao cho đồn Công an sân bay Tân Sơn Nhất, bà Lê Thị Hiền đã bị xử phạt 200.000 đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Điều khoản này quy định người vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng khi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Tuy nhiên, việc chỉ áp dụng Nghị định 167/2013/NĐ-CP để xử phạt với mức phạt 200.000 đồng là chưa hợp lý. Bởi hành vi này xảy ra tại Cảng hàng không do đó phải căn cứ các quy định phù hợp, cụ thể là Nghị định số 162/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Theo đó, Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 162/2018/NĐ-CP quy định hành vi không tuân theo sự chỉ dẫn của lực lượng kiểm soát an ninh bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; Khoản 3 Điều 26 Nghị định số 162/2018/NĐ-CP quy định hành vi đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không bị phạt 1-3 triệu đồng.
Tại khoản 4 Điều 26 Nghị định số 162/2018/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi gây rối làm mất an ninh, trật tự tại cảng hàng không mà chưa đến mức truy cứu hình sự sẽ bị phạt; Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách hoặc người khác tại cảng hàng không, sân bay; đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không, hành khách trên tàu bay.
Về xử lý hình sự, Khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội gây rối trật tự công cộng như sau: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền 5 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Như vậy, việc bà Lê Thị Hiền bị xử phạt 200.000 đồng là chưa thỏa đáng, chưa thể hiện hết tinh thần của pháp luật trong việc bảo vệ trật tự công cộng, mà phải xem xét xử lý theo Nghị định 162/2018/NĐ-CP mới phù hợp.
Bởi theo thông tin công bố, hành vi trên xảy tra ở Cảng hàng không đã cho thấy hành vi và thái độ coi thường pháp luật, chưa kể đến việc bà Hiền là một chiến sĩ công an - người thực thi pháp luật. Vì vậy, cần xử lý nghiêm minh đối với hành vi trên để bà Hiền nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình và thông qua đó, giáo dục được ý thức tuân thủ pháp luật cho mọi người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận