Ngày 8/8, tai nạn liên hoàn nghiêm trọng trên cầu Phú Mỹ (quận 7, TP.HCM) khiến nhiều phương tiện hư hỏng nặng, giao thông ùn ứ.
Theo lời khai của tài xế gây tai nạn liên hoàn, khi đang đổ dốc (hướng từ quận 7 đi TP Thủ Đức) bất ngờ nghe tiếng nổ, nghi xe bị vỡ ống hơi. Sau đó, chiếc xe mất phanh, cứ thế lao về phía trước. Dù tài xế đã kéo phanh tay, cố đánh lái để né các phương tiện phía trước, nhưng vẫn va chạm với hàng loạt xe chạy cùng chiều.
May mắn vụ tai nạn liên hoàn không gây hậu quả về người, nhưng nhiều phương tiện bị cháy rụi, hư hỏng nặng.
Phân tích về tình huống pháp lý của vụ tai nạn, TS.LS Lê Bá Thường, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định, tài xế gây ra vụ tai nạn liên hoàn có thể bị xử lý hình sự và phải bồi thường dân sự cho các nạn nhân của vụ tai nạn.
Luật sư Thường phân tích: Xe ô tô là phương tiện có khả năng gây nguy hiểm cao, do đó, trước khi di chuyển, cần được kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa... Trong vụ tai nạn, xe tải mất phanh, tuột dốc và tông liên hoàn vào nhiều phương tiện phía trước. Nguyên nhân xe "mất phanh" không được xem là bất khả kháng, mà phải xem xét trách nhiệm từ lỗi của chủ xe ô tô, người quản lý, tài xế và cả người có trách nhiệm bảo dưỡng ô tô này.
Theo quy định của luật giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây ra thiệt hại nghiêm trọng nếu hậu quả làm chết người hoặc gây ra thương tích cho nhiều người (thương tích 61% trở lên) hoặc thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên có thể sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự về "Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".
Tùy theo mức độ, hậu quả gây ra, có thể sẽ đối diện với mức phạt tiền từ 30-100 triệu đồng và phạt tù giam từ 1-5 năm (Điều 260 BLHS 2015).
Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự, chủ xe ô tô còn phải bồi thường thiệt hại về tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng và lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút cho các xe ô tô khác bị ảnh hưởng do tai nạn gây ra theo quy định và có thể bao gồm thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm của các nạn nhân (Điều 589 và 590 BLDS 2015).
Trong trường hợp tài xế gây tai nạn chậm thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, có thể phải chịu thêm khoản tiền lãi trên số tiền chậm trả quy định tại (Điều 357, 460, 468, 585 BLDS 2015).
Nếu tài xế hoàn toàn không có tài sản hoặc thu nhập để thực hiện nghĩa vụ bồi thường, nếu phía người bị thiệt hại đồng ý, tòa án có thể xem xét việc miễn hoặc giảm bớt nghĩa vụ bồi thường. Tuy nhiên, điều này cần có sự thỏa thuận của các bên liên quan.
Nếu tài xế có mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với xe cơ giới, công ty bảo hiểm có thể chi trả một phần hoặc toàn bộ khoản bồi thường, tùy thuộc vào hợp đồng bảo hiểm.
Theo ông Thường, công ty bảo hiểm sẽ chi trả phần thiệt hại theo mức trách nhiệm bảo hiểm quy định trong hợp đồng bảo hiểm, thường bao gồm chi phí y tế, chi phí mai táng (nếu có), và thiệt hại tài sản cho bên thứ ba, mức độ và phạm vi chi trả phụ thuộc vào từng loại bảo hiểm và điều kiện cụ thể của hợp đồng.
Nếu tổn thất vượt quá mức bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm, tài xế vẫn phải tự chịu trách nhiệm cho phần thiệt hại vượt quá (Điều 21 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định về Quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm; Điều 8 và 13 Nghị định 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới).
Trước đó, khoảng 15h ngày 8/8, ông Dũng (35 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) lái xe tải chạy qua cầu Phú Mỹ, hướng từ quận 7 đi TP Thủ Đức. Khi vừa đổ dốc cầu (thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi) thì va chạm với 7 xe khác gồm ô tô, xe tải và xe đầu kéo.
Bước đầu lực lượng chức năng xác định tai nạn làm 8 xe hư hỏng. Trong đó 3 xe bị cháy (2 ô tô cháy rụi, xe tải bị cháy phần đầu).
Sau khi tai nạn xảy ra, một số tài xế và người đi đường đã sử dụng bình chữa cháy mini dập lửa cho 3 phương tiện, đưa các nạn nhân ra ngoài và chuyển đi cấp cứu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận