Mới nhất, ngày 6/3 theo giờ địa phương, một cuộc tấn công của lực lượng Houthi đã đánh trúng tàu hàng True Confidence trên vịnh Aden khiến 1 thuyền viên người Việt Nam thiệt mạng. Vậy Houthi là lực lượng nào, vì sao họ có đủ sức mạnh tấn công vịnh Aden và Biển Đỏ trong suốt nhiều tháng qua?
Giải mã lực lượng Houthi
Houthi, còn được biết đến với tên gọi chính thức là Ansarallah (Những người ủng hộ Chúa), đã thực hiện các hoạt động chống lại chính phủ Yemen trong khoảng hai thập kỷ.
Hiện Houthi đang kiểm soát khu vực phía Tây Bắc Yemen và thủ đô Sana. Lực lượng này xây dựng hệ tư tưởng đối lập với Israel và Mỹ, coi mình là một phần trong "trục kháng chiến" do Iran dẫn dắt cùng với lực lượng Hamas trên Dải Gaza và lực lượng Hezbollah tại Lebanon.
Lực lượng Houthi nổi lên từ những năm 1990 khi thủ lĩnh Hussein Al-Houthi phát động phong trào phục hưng tôn giáo "Thanh niên đức tin" (Believing Youth) cho Zaidi, một nhánh nhỏ của dòng Hồi giáo Shia.
Người Zaidi theo dòng Hồi giáo Shia từng cai trị Yemen trong nhiều thế kỷ nhưng bị gạt ra ngoài lề khi dòng Hồi giáo Sunni lên nắm quyền sau cuộc nội chiến năm 1962. Phong trào do Hussein Al-Houthi thành lập đại diện cho người Zaidi và chống lại chủ nghĩa Sunni cực đoan, đặc biệt là tư tưởng Wahhabi từ Arab Saudi.
Khi thống nhất hai miền Nam – Bắc năm 1990, ông Ali Abdullah Saleh - tổng thống đầu tiên của Yemen ủng hộ phong trào "Thanh niên đức tin". Nhưng sau đó, ông Saleh nhận thấy mối đe dọa trước tầm ảnh hưởng ngày càng tăng cùng quan điểm chống chính phủ của phong trào này.
Căng thẳng đã lên đỉnh điểm vào năm 2003 khi Tổng thống Ali Abdullah Saleh ủng hộ Mỹ tấn công Iraq bất chấp sự phản đối của nhiều người Yemen. Hussein Al-Houthi đã tận dụng bối cảnh dư luận bất đồng để tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Sau nhiều tháng hỗn loạn, Tổng thống Ali Abdullah Saleh ra lệnh bắt giữ Hussein Al-Houthi và tiêu diệt ông vào tháng 9/2004 nhưng phong trào Houthi vẫn tồn tại cùng sự phát triển lớn mạnh của cánh vũ trang.
Tham gia nội chiến Yemen, kiểm soát thủ đô
Năm 2011, Houthi đóng vai trò quan trọng trong việc châm ngòi cho "Cách mạng Yemen". Cuộc cách mạng dẫn đến quá trình chuyển giao quyền lực nhưng Houthi không hài lòng với các nhà lãnh đạo mới được bổ nhiệm.
Cuối năm 2014, Houthi huy động lực lượng tấn công và giành quyền kiểm soát thủ đô Sanaa, buộc Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi phải lưu vong ở Arab Saudi.
Sau khi Houthi kiểm soát thủ đô, cùng năm, trước đề nghị trợ giúp từ chính phủ Yemen, liên minh do Arab Saudi dẫn đầu đã can thiệp vào quốc gia này với mục tiêu hỗ trợ Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi khôi phục quyền lực, bắt đầu cuộc nội chiến nghiêm trọng khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.
Mãi đến năm 2022, nội chiến Yemen hạ nhiệt khi Liên hợp quốc làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa các bên tham chiến.
Những năm gần đây lực lượng Houthis đã củng cố kho vũ khí và đã sở hữu nhiều tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái tầm xa. Các nhà phân tích phương Tây cho rằng sự mở rộng này là nhờ sự hỗ trợ từ Iran.
Khi cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas nổ ra vào tháng 10/2023, người Houthis tuyên bố ủng hộ người dân Gaza và cho biết sẽ tấn công vào tất cả tàu thuyền đi đến Israel.
Ông Yahya Sarea, phát ngôn viên của lực lượng Houthi nhiều lần tuyên bố hoạt động tấn công là nhằm phản đối việc "giết chóc, phá hủy và bao vây" ở Gaza và thể hiện tình đoàn kết với người dân Palestine.
Kể từ tháng 11 đến tháng 1/2024, lực lượng Houthi đã tiến hành hơn 27 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ và Vịnh Aden mà Houthi nghi là đang hướng tới hoặc rời khỏi các cảng của Israel.
Những vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa đã buộc các chủ tàu hàng phải thay đổi lộ trình di chuyển theo tuyến đường dài hơn qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, thay vì qua kênh đào Suez của Ai Cập.
Biển Đỏ nối với Địa Trung Hải qua kênh đào Suez, hình thành nên tuyến vận tải biển ngắn nhất kết nối châu Âu và châu Á. Khoảng 15% lưu lượng vận tải biển của thế giới đi qua kênh đào này. Các cuộc tấn công đã làm gián đoạn tuyến vận tải thương mại quan trọng và khiến cước phí vận tải biển tăng mạnh khi các công ty phải tìm kiếm tuyến đường thay thế, thường dài hơn và mất nhiều ngày di chuyển gây tốn kém nhiên liệu.
Trước cáo buộc từ Mỹ và đồng minh về việc Iran ủng hộ lực lượng Houthi tại Yemen tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani bác bỏ cáo buộc. Ông Bagheri Kani khẳng định lực lượng Houthi có "công cụ quyền lực riêng và hành động theo quyết định và khả năng của mình," đồng thời phủ nhận việc Iran vũ trang cho Houthi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận