Cứ mải mê đấu đá với những "pha đi bóng bẩn", VFF sẽ trở thành tội đồ của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Đại hội VFF nhiệm kỳ mới vẫn hoãn chưa có thời hạn |
1. Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Nguyễn Xuân Gụ đã chính thức phủ nhận thông tin “bị bắt vì mua dâm” đêm 24/5 tại một khách sạn ở TP.HCM xôn xao trên mạng xã hội. Theo lời vị lãnh đạo VFF, ông chỉ bị phạm lỗi không khai báo tạm trú cho người bạn gái 24 tuổi đến chơi.
Dẫu rằng ông Gụ đã lên tiếng, song câu chuyện của Phó Chủ tịch VFF và liên đoàn này không vì vậy mà giảm sức nóng trước dư luận. Có vô số những câu hỏi chưa được hồi đáp, như: ông Gụ không được cử đi TP.HCM công tác, song chi phí thanh toán đi lại, ăn ở khách sạn đó được VFF thanh toán hay ông bỏ tiền túi? Ông có mối quan hệ như thế nào với cô gái đáng tuổi con, tuổi cháu đó? Vì sao việc Công an TP.HCM kiểm tra hành chính một khách sạn - một nghiệp vụ hết sức bình thường - lại được phát hiện, rồi tung hê đầy đủ hình ảnh một cách nhanh chóng?...
Bởi vậy, không ít ý kiến bóng gió đề cập đến khả năng vị phó Chủ tịch VFF bị “bẫy” nhằm mục đích hạ bệ trước thềm đại hội. Ông Nguyễn Xuân Gụ hiện là Phó Chủ tịch chuyên phụ trách Truyền thông. Ở Đại hội VFF khóa VIII sắp tới, ông tiếp tục ứng cử vào vị trí này. Song ngoài ông Gụ, còn có nhiều ứng viên khác như ông Nguyễn Lân Trung, ông Nguyễn Văn Phú, ông Cao Văn Chóng... tham gia ứng cử vị trí Phó Chủ tịch VFF phụ trách Truyền thông.
Ông Nguyễn Xuân Gụ đã từng phát biểu: mất niềm tin của người hâm mộ là mất tất cả và đó là tội rất lớn |
2. Câu chuyện “chơi nhau” trước kỳ bầu bán tại VFF không phải lần đầu được đề cập. Chưa đầy một tuần trước, ngày 19/5, đoạn băng ghi âm cuộc cãi vã tay đôi (kèm đập bàn xô cốc) giữa ông Trần Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT VPF và ông Dương Văn Hiền, Phó Ban trọng tài VFF cũng được ai đó tung lên mạng xã hội. Sau khi bị “hở sườn” màn đối đáp sử dụng ngôn từ tục tĩu, thông điệp đậm chất “giang hồ”, ông Trần Mạnh Hùng đã phải đắng cay từ chức.
Dẫu chưa “chỉ tận tay” người chủ động ghi âm rồi phát tán, song dư luận cũng không quá khó để “khoanh vùng” ai là người hả hê với màn rút lui của vị Phó chủ tịch. Hành vi ứng xử của một lãnh đạo như ông Hùng, dù có do bị gài bẫy như không ít đồn thổi - thì cũng không thể chấp nhận! Những màn “đấu đá” trong nội bộ VFF như lâu nay vẫn râm ran dư luận và không ít lần bị phơi bày thật khó nhận được sự thông cảm từ người hâm mộ.
Thật ra, không phải đợi đến kỳ đại hội lần này, những lùm xùm của VFF mới được “phô diễn”. Dư luận không ít lần chứng kiến những cuộc họp hành như chợ búa; những tranh cãi bất tận không phải về chuyên môn, cũng không nhằm góp ý xây dựng mà chỉ để giành giật chỗ đứng, quyền lực. Có thể nói vô số câu chuyện đủ để phác họa thực trạng của bộ máy lãnh đạo, từ VFF đến Ban Trọng tài.
3. Một người bạn mà tôi biết có một tình yêu bóng đá vô bờ. Anh kể: Đã có một thời, cứ đến đúng giờ mà không chạm được trái bóng, người như thể lên cơn nghiện, bứt rứt, khó chịu và bực bội chẳng thể làm được gì. Cảm giác vừa dẫn bóng vừa nghĩ tới nụ cười như toả nắng của cô bạn gái ở đâu đó góc sân thi vị vô cùng. Ai từng đứng trên sân cỏ đều cho rằng giây phút ấy là khoảng khắc đẹp nhất thời trai trẻ mà không phải người nào cũng có được. Kể cả giờ đây, phải dừng chơi bóng thường xuyên để nhường chỗ cho công việc thì với anh, bóng đá vẫn là một niềm đam mê bất tận, chưa bao giờ phai nhạt.
Song, người bạn của tôi cũng thú nhận đã từ lâu không quan tâm tới bóng đá Việt Nam bởi vô vàn những câu chuyện như trên. Chưa bàn đến chất lượng bóng đá - đòi hỏi thể lực, kỹ thuật, mức đầu tư…, câu chuyện cầu thủ “ít tài nhiều tật” không ít lần làm truyền thông phải hao tổn giấy mực. Song cũng theo anh, trong tình cảnh đội ngũ lãnh đạo VFF bậc cha chú không lo “đá” chỉ lo “đấu” bằng những “pha đi bóng bẩn” - kém chuẩn mực, xấu xí kiểu trên thì các cầu thủ thế hệ con cháu sau này, chúng vô kỷ luật, bán độ... cũng không có gì là lạ.
4. Người bạn của tôi chỉ là một trong số hàng triệu người Việt Nam từng muốn quay lưng với bóng đá Việt vì những lý do như thế. Nhưng tình yêu bóng đá, yêu hai chữ "Việt Nam" chưa một ngày tàn phai. Tình yêu ấy vẫn được gói gém trong một góc sâu nào đó nơi tâm hồn, như một đốm lửa vẫn sót lại dưới đống tro. Tình yêu ấy vẫn dõi theo bước chân của đội tuyển quốc gia tới bất kể nơi đâu và cho dù có thất bại hay chiến thắng, vẫn luôn cháy hết mình cùng đội tuyển và hy vọng một tương lai tươi đẹp cho bóng đá nước nhà.
Và rồi, vòng chung kết châu Á U23 vừa qua, như một mồi lửa, đã thổi bùng đốm lửa yêu thương ủ sâu trong hàng chục triệu trái tim người Việt Nam. Thậm chí ngọn lửa ấm áp ấy cháy lan sang cả rất nhiều người chưa từng quan tâm đến trò bóng lăn. Ngọn lửa của màu cờ sắc áo đã đỏ rực trên từng hàng cây, dãy phố sau mỗi trận bóng; đỏ rực từ thành phố đến thôn quê; đỏ rực trên sân Thường Châu tuyết trắng trong trận chung kết. Dù rằng, trận chung kết trong mơ ấy, Việt Nam đã để tuột mất ngôi vô địch. Song ngọn lửa bỏng cháy ấy vẫn thắp sáng trái tim, sưởi ấm huyết quản của mỗi người yêu bóng đá, yêu Việt Nam. Và thắp lên một giấc mơ, một niềm tin đẹp đẽ về nền bóng đá nước nhà.
Vậy nhưng, giấc mơ ấy đã ngay lập tức bị dội một gáo nước lạnh ngay trên chuyến bay đưa các anh hùng trẻ tuổi về nước bởi liên tiếp những màn chiêu đãi, đón tiếp phản cảm trước sự chứng kiến của rất nhiều quan chức VFF. Và từ đó đến nay, niềm tin ấy tiếp tục bị lung lay, đặc biệt đứng trước nguy cơ tàn lụi trước thềm đại hội VFF gần đây.
Trong màn đấu đá ấy, bản thân ông Nguyễn Xuân Gụ cũng từng bày tỏ: “Xin đừng ném vào sọt rác niềm đam mê và tình yêu vô tư dành cho bóng đá của bầu Đức, bầu Thắng. Nếu ai đó cố tình làm như vậy sẽ mất lòng tin nơi người hâm mộ. Khi đã mất niềm tin thì chúng ta mất tất cả. Tội này lớn lắm, thưa các quý vị!”.
Ông Gụ hoàn toàn đúng khi nói rằng, tội làm mất niềm tin là tội rất lớn! Vậy nhưng, scandal không dứt, liên tục xuất hiện những "pha đi bóng bẩn", chính VFF đang tiến dần đến ranh giới tội đồ của bóng đá Việt Nam!
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả không nhất thiết trùng với quan điểm của tòa soạn
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận