Bất bình với kết quả thẩm định một số dự án tham gia cuộc thi KHKT của Bộ GD&ĐT, nhiều phụ huynh tiếp tục gửi đơn kiến nghị tới Bộ GD&ĐT cũng như nhiều cơ quan báo chí.
Tại cuộc họp định kỳ quý 1/2019, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: "Bộ cũng đã nhận được nhiều ý kiến các phụ huynh cho rằng giải nhất của cuộc thi KHKT Quốc gia 2018-2019 chưa thỏa đáng. Chúng tôi đã căn cứ kiến nghị đó, tiến hành thẩm định và đã có văn bản trả lời. Chúng tôi khẳng định, quá trình tổ chức chấm thi, chấm thẩm định đảm bảo đúng quy chế".
Về việc chấm thi, Ban giám khảo là các nhà khoa học có học hàm Tiến sĩ trở lên với chuyên ngành phù hợp với các lĩnh vực dự thi của học sinh. Việc chấm thi hết sức chặt chẽ, đúng quy chế.
Trong quy chế, mỗi nhóm lĩnh vực có 8-12 giám khảo. Các vị giám khảo có bắt thăm dự án để chấm. Mỗi dự án được chấm ở hai phần với tổng 100 điểm, gồm chấm trên báo cáo 45 điểm và chấm trên poster và phỏng vấn trực tiếp thí sinh là 55 điểm. Mỗi giám khảo chấm độc lập, điểm được tính trung bình. Nếu điểm của giám khảo chênh lệch với điểm trung bình vượt quá 20% thì loại bỏ điểm đó. Phần 2 cũng tương tự.
Như vậy, mỗi dự án có 8-10 giám khảo chấm. Việc chấm thi của cuộc thi KHKT Quốc gia này là chấm quá trình nghiên cứu của thí sinh với 3 tiêu chí mục tiêu, thiết kế, phương án giải quyết vấn đề và thực thi phương án đó... chứ không chỉ căn cứ trên kết quả cuối cùng của dự án.
Ông Thành cho biết thêm, khi nhận được ý kiến, kiến nghị từ phụ huynh học sinh, để đảm bảo quyền lợi của thí sinh và tính công khai, minh bạch của cuộc thi, Bộ đã thành lập hội đồng thẩm định. Mỗi hội đồng thuộc 2 lĩnh vực gồm 5 người thuộc các trường đại học, Hội đồng này không trùng lặp thành viên với Ban giám khảo…. Quy trình chấm thẩm định, mỗi vị chấm độc lập báo cáo của thí sinh để đánh giá lại .
Kết quả thẩm định theo khẳng định của hội đồng thẩm định là phù hợp với kết quả đã công bố.
Trước ý kiến cho rằng một số công trình giải Nhất có sự sao chép, ông Thành khẳng định: "Bộ đã thẩm định và khẳng định không có việc đó. Nếu có sự sao chép thì dự án đó sẽ bị loại tức thì. Một số dự án có thể giống nhau ở câu chữ diễn đạt nhưng về bản chất không phải vậy… do đó có thể có sự hiểu nhầm".
Như Báo Giao thông đã phản ánh, đầu năm 2019, bất bình với kết quả cuộc thi KHKT quốc gia 2019 (VISEF 2019), nhiều phụ huynh học sinh đã gửi đơn kiến nghị tới Bộ GD&ĐT, các cơ quan chức năng liên quan và báo chí. Các kiến nghị này khẳng định cuộc thi VISEF 2019 “có vấn đề”. Trong kiến nghị, các phụ huynh học sinh, chứng minh việc Ban Tổ chức đã trao giải cho các công trình, dự án không tương xứng, không có điểm mới, sao chép ý tưởng (những vấn đề bị cấm trong thể lệ cuộc thi)....
Sau phản hồi chấm thẩm định, các phụ huynh tiếp tục kiến nghị, việc thành lập hội đồng cũng như các quy trình, phương pháp và tiêu chí ở lần đánh giá và thẩm định lại đề tài này không hề được nói đến trong các thông báo công khai. Hội đồng thẩm định là những giám khảo nào, có thực sự độc lập và khách quan cũng không được Bộ GDĐT công bố trong văn bản gửi tới phụ huynh...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận