Hồi tố: Hiện tại không còn cần thiết
Đây là ý kiến của luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI trước câu chuyện đang gây tranh cãi về việc nhà đầu tư của HAG gửi đơn kêu cứu trước lo ngại cổ phiếu này sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc do công ty làm ăn thua lỗ giai đoạn 2017-2019.
Nhóm cổ đông gửi đơn kêu cứu vi cho rằng huỷ niêm yết cổ phiếu HAG vì doanh nghiệp này lỗ 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019) là chưa thoả đáng
Ông Đức phân tích, theo quy định pháp luật hiện hành, HAG sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc do kết quả kinh doanh của giai đoạn 2017-2019.
Nay đã là năm 2022 mới ban hành quyết định. Tuy nhiên, theo ông Đức, nếu không có quy định nào nêu rõ về trường hợp được hồi tố kết quả kinh doanh bị lỗ dẫn đến bị huỷ niêm yết cổ phiếu thì không nên xem xét hủy niêm yết đối với cổ phiếu HAG ở thời điểm hiện tại.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 60 Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012, công ty niêm yết chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở giao dịch Chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư (Điểm 0).
Ngày 16/2, PV Báo Giao thông đã liên hệ với lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về công tác quản lý và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM nơi có quyền đưa ra quyết định về việc huỷ niêm yết này nhưng vẫn chưa kết nối được.
Về trường hợp của HAG, một đại diện Bộ Tài chính cho biết Bộ cần có đầy đủ thông tin và cân nhắc cẩn thận trước khi đưa ra bất cứ thông tin nào với dư luận.
Tại Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2021 bổ sung thêm quy định về huỷ niêm yết: Trường hợp “có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp”. Nhưng quy định này chỉ áp dụng từ ngày 1/1/2022.
“Trong trường hợp phải huỷ niêm yết theo quy định thì Sở GDCK TP.HCM - HoSE phải ra thông tin cảnh báo về trường hợp có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc ngay khi HAG công bố thông tin điều chỉnh hồi tố về báo cáo tài chính”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Đến nay, do không có thông tin cảnh báo như ông Đức nói trên nên cổ phiếu HAG vẫn niêm yết và giao dịch bình thường.
Dưới các góc độ cả lý cả tình, ông Đức đều cho rằng mục tiêu hủy niêm yết là một biện pháp bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, không gây ảnh hưởng xấu đến thị trường.
“Tuy nhiên, trong trường hợp này, đã qua giai đoạn doanh nghiệp thua lỗ và đã kinh doanh có lãi. Do đó, không cần thiết đặt ra vấn đề phải hủy niêm yết khiến nhà đầu tư hoang mang và làm xáo trộn thị trường”, luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến.
Đừng “bẫy” cổ đông
Sau màn “giải cứu” ấn tượng cổ phiếu HAG chiều 15/2 và mã này có khối lượng khớp lệnh khủng hơn 37 triệu đơn vị, sang phiên giao dịch ngày 16/2 hiện tượng này không còn diễn ra.
Trong phiên giao dịch hôm nay, khối lượng giao dịch tại HAG thấp hơn phiên trước rất nhiều nhưng vẫn trên 14 triệu đơn vị.
HAG không bị giảm sàn phiên 16/2
Đáng chú ý, giá HAG giảm dưới tham chiếu nhưng không có thời điểm nào chạm sàn mà chỉ loanh quanh 11.000-12.000 đồng/cổ phiếu.
Trong phiên có một số thời điểm xuất hiện một số lệnh mua khối lượng lớn trên 10.000 đơn vị, thậm chí có thời điểm xuất hiện lệnh mua trên 30.000 đơn vị.
Thực tế, cổ phiếu HAG đã tăng mạnh liên tục kể từ phiên 1/11/2021 và tạo đỉnh 16.200 đồng trong phiên giao dịch 10/1/2022 vừa qua sau đó tụt dốc.
Đến nay, HAG đã mất gần 1/3 thị giá tính trong vòng hơn 1 tháng qua do những lùm xùm liên quan đến việc huỷ niêm yết nói trên.
Anh Phan Đức Chính, một nhà đầu tư sở hữu hơn 3.000 cổ phiếu HAG hơn 2 tháng qua cho biết, anh mua cổ phiếu này vì đánh giá tiềm năng của công ty và khả năng phục hồi trong năm 2022.
Còn đối với vấn đề huỷ niêm yết cổ phiếu này, anh cho rằng nếu HAG bị huỷ thì có lẽ chưa công bằng với nhà đầu tư mới khi việc huỷ niêm yết là do hệ quả của giai đoạn trước.
“Nếu khi công ty lỗ thì ngay tại thời điểm có báo cáo năm thứ 3 thua lỗ ấy Sở ra thông tin cảnh báo nhà đầu tư và sau đó huỷ niêm yết luôn. Còn để đến nay mới huỷ thì như bẫy những cổ đông mới vậy”, anh Chính nói.
Được biết, mới đây Hoàng anh Gia Lai đã chủ động kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì niêm yết HAG trên HoSE. Doanh nghiệp cũng xin kiến nghị của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và HoSE để không hủy niêm yết cổ phiếu HAG trên HoSE.
Tập đoàn cũng xin cơ quan chức năng cho phép công ty áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường.
Hoàng Anh Gia Lai cũng cho biết đã thanh toán phần lớn khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng, xử lý phần lớn khoản đầu tư không hiệu quả như thanh lý các công ty con thuộc ngành nông nghiệp, thủy điện và khoáng sản...
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu tài chính dần cải thiện, hệ số thanh toán hiện hành đã lớn hơn 1 (có khả năng tài chính để thanh toán ngay các khoản nợ ngắn hạn).
Thậm chí năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai đặt mục tiêu lãi hơn 1.000 tỷ đồny. Nếu đạt được kết quả này, HAG sẽ quay lại thời kỳ hoàng kim trước đây.
Công ty cũng đặt mục tiêu trả hết nợ ngân hàng, cân đối tài chính và chấp nhận những phương án kinh doanh hiệu quả nếu có thể giúp xoá sạch lỗ luỹ kế trong vài năm tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận