Đến mua đầy đủ thủ tục sẽ không đóng thuế
Ngày 13/8, Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk có thông tin phản hồi đến Báo Giao thông về việc Đoàn liên ngành chống thất thu thuế huyện Krông Pắk triển khai thu thuế đối với hoạt động kinh doanh sầu riêng trên địa bàn. Đồng thời, có giải thích rõ việc áp thuế đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh mặt hàng sầu riêng. Theo đó, việc thu thuế đối với các vựa thu mua sầu riêng là đúng với quy định của pháp luật. Việc thu thuế được áp dụng đối với các hộ kinh doanh thu mua sầu riêng không đăng ký kinh doanh, không thực hiện nghĩa vụ thuế, không thu thuế người trồng sầu riêng. Các cơ quan chức năng đã căn cứ quy định tại Thông tư số 219/2013/TT-BTC và Thông tư số 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính để ấn định mức thuế.
Ông Trần Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Dự toán và Pháp chế (Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Đối với hàng hóa là nông sản, theo quy định của Thông tư 219/2013/TT-BTC và Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính thì hàng hóa là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi do người dân trực tiếp sản xuất, bán ra thuộc diện không chịu thuế GTGT. Hộ kinh doanh thu mua hàng hóa nông sản để bán ra sẽ phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN tại khâu bán ra".
Cũng theo ông Dũng, từ năm 2015, Cục Thuế đã tuyên truyền đối với hộ kinh doanh sầu riêng và tổ chức thu thuế. Tuy nhiên, lúc này sản lượng chưa lớn, sau khi sản lượng tăng lên, ngành thuế thấy thất thu nên xây dựng đề án chống thất thu. Đến năm 2019 -2010, có đề án thì ngành thuế áp dụng chứ không phải đột ngột như thương lái phản ánh.
"Đối với doanh nghiệp tỉnh ngoài vào tỉnh Đắk Lắk thu mua sầu riêng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động chi nhánh, đồng thời phải có mã số thuế phụ tại cơ quan thuế địa phương. Quá trình kinh doanh, kê khai thuế có phát sinh thuế GTGT thì doanh nghiệp phải nộp thuế tại cơ quan thuế địa phương nơi đăng kí hoạt động. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp hằng năm thì kê khai và nộp tại trụ sở chính.
Trong quá trình kinh doanh sẽ phát sinh hai trường hợp, nếu mua sản phẩm và bán tiêu thụ luôn có phát sinh doanh thu phải nộp thuế và xuất hóa đơn GTGT bình thường. Trường hợp mua sản phẩm về chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm phải có bảng kê, có lệnh điều động và phiếu xuất vận chuyển nội bộ về công ty mẹ thì không phải nộp thuế gì cả", ông Dũng nói thêm.
Ông Lê Đình Thế, Chi cục trưởng Chi cục thuế Krông Pắk cũng cho biết: Đối tượng áp dụng thu thuế đối với mặt hàng sầu riêng thu thuế trên hoạt động kinh doanh thương mại, không thu thuế đối với người trồng sầu riêng.
"Việc thu thuế được quản lý theo hai đối tượng gồm: các tổ chức là doanh nghiệp, công ty, chi nhánh công ty có hoạt động kinh doanh mua bán sầu riêng thì thực hiện đăng kí kê khai theo kế toán, hóa đơn chứng từ đăng kí kê khai nộp thuế theo quy định của luật quản lý thuế và các chính sách thuế hiện hành; các hộ kinh doanh có hoạt động kinh doanh mua bán sầu riêng trên địa bàn được thu thuế 1% thuế GTGT; 0,5% thuế TNCN", ông Thế thông tin.
Tiếp tục thu thuế và đẩy mạnh tuyên truyền
Cũng theo ông Thế, công ty như Chánh Thu, Minh Yến (đã phản ánh với báo chí) bị đoàn liên ngành thu thuế GTGT và TNCN khi vừa mới mua sản phẩm của người dân. Hai doanh nghiệp này hoạt động thu mua sầu riêng của người dân trên địa bàn nhưng chưa đăng kí kinh doanh theo đúng quy định.
"Nếu là tổ chức doanh nghiệp thì thực hiện kê khai thuế theo luật quản lý thuế và thực hiện đầy đủ sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ hợp pháp theo quy định. Đối với Công ty từ các tỉnh khác đến địa bàn huyện Krông Pắk thu mua sản phẩm sầu riêng của người dân không phải nộp thuế GTGT và TNCN nhưng phải lập bảng kê mua vào 01 thông tư 78/TT_BTC quy định về thuế TNDN.
Nếu thương lái mua của các chủ vựa kinh doanh thì phải yêu cầu chủ vựa kinh doanh xuất hóa đơn vận chuyển theo quy định. Đối với giá áp thuế được tính 40.000 đồng không phải Thuế tự đưa ra, giá đó là căn cứ vào kê khai giá bán của chủ vực theo thời điểm, giá này có thể lên xuất điều được thuế điều tiết", ông Thế nói.
Cũng theo ông Thế, trong thời gian tới, đối với việc thu thuế với mặt hàng kinh doanh sầu riêng để chống thất thu cho ngân sách, Chi cục Thuế Krông Pắk tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn cho người nộp thuế. Ngành thuế và địa phương tiếp tục hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, các chủ vựa, hộ kinh doanh có hoạt động mua bán sầu riêng được thuận lợi về cơ chế chính sách, thủ tục, đăng kí kinh doanh, kê khai nộp thuế thuận lợi nhất.
"Đối với công chức thực thi nhiệm vụ phải tận tình chu đáo đới với người nộp thuế, xử lý nghiêm công chức gây phiền hà cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Chi cục Thuế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện doanh nghiệp, chi nhánh HTX khi xuất bán hàng không lập hóa đơn vận chuyển hợp pháp sẽ bị xử lý theo quy định", ông Thế khẳng định.
Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, nhiều thương lái và nông dân phản ánh bất ngờ bị Đoàn liên ngành Thuế huyện Krông Pắk áp dụng Nghị định 92/2015 của Bộ Tài chính thu thuế sầu riêng khiến họ bức xúc.
Theo đó, mỗi kg sầu riêng thương lái mua của nông dân phải chịu mức thuế 600 đồng/ 1kg (theo cách tính của Đoàn liên ngành 1kg sầu riêng là 40.000 đồng x 1,5% = 600 đồng). Sau khi bị đánh thuế, thương lái cho rằng nếu thuế làm căng thì doanh nghiệp vẫn mua, vẫn chịu thuế nhưng ép giá mua sầu riêng của người dân xuống. Tất cả phần thuế, người dân phải gánh, phải chịu thiệt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận