Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều 9/5, ông Ngô Lâm, Cục phó Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, không có chuyện lún, nứt và chất lượng kém tại tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
“Bản thân tôi là thành viên cơ quan Thường trực của Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (HĐNTNN), trực tiếp cùng đoàn đi kiểm tra tuyến cao tốc này vào ngày 10 và 11/4 vừa qua và ra văn bản gửi VEC cũng chỉ đánh giá đây là hiện tượng lún lệch do phương pháp xử lý nền đất yếu khác nhau” – ông Lâm nói.
Thi công gói thầu A5 cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây |
Theo ông Lâm, công địa tại gói thầu số 3 có một số đoạn phải xử lý nền đất yếu. Trong đó, Km 14+100 - Km 14+120 xuất hiện lún lệch từ 3cm đến 5cm. Do đây là nơi tiếp giáp của hai gói thầu số 2 và số 3, khoảng cách chỉ có 20m theo chiều ngang. Gói số 2 thi công theo phương pháp đóng cọc xi măng đất. Còn gói thầu số 3 thi công bằng phương pháp bơm hút chân không.
“Bản chất của phương pháp cọc xi măng đất là có độ cứng ngay nên không bị lún. Còn bấc thấm hút chân không phải có thời gian để cố kết. Một bên cần thời gian ổn định, còn một bên cứng ngay không lún nữa gây ra hiện tượng lún lệch và chênh lệch mặt đường. Do đó, HĐNTNN mới yêu cầu chủ đầu tư theo dõi, tùy theo quan trắc mà trong quá trình khai thác sẽ tiến hành bù lún để tạo êm thuận cho phương tiện trong quá trình lưu thông. Đây đơn thuần chỉ là lệch do 2 phương pháp khác nhau”- ông Lâm khẳng định.
Còn tại gói thầu 5A có hiện tượng hang các-tơ phễu bị sụt theo hướng về Long Thành, ông Lâm cho rằng khi thi công, khu vực này yếu tố địa chất phức tạp. Các đơn vị thi công đã thiết kế tầng lọc ngược bằng ống nhựa PVC đặt trong tấm lọc ngược có đường kính nhỏ và đặt tại vị trí cao. Do đó, một số vị trí không đảm bảo thoát nước và dễ bị bẹp khi chịu tải trọng lớn. Đây không phải là việc quá bất bình thường. HĐNTNN chỉ yêu cầu VEC theo dõi để xử lý triệt để. Đây chỉ là góp ý về mặt kỹ thuật.
Hà Thanh Oai
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận