Văn hóa - Giải Trí

Lúng túng việc dán nhãn các loại sách, truyện

12/10/2017, 07:25

Nhiều NXB đang lúng túng trong việc dán nhãn các loại sách, truyện dành cho trẻ em theo Thông tư mới của Bộ TT&TT.

24

Nhiều cuốn sách, bộ sách được các NXB tự dán nhãn độ tuổi

Theo Thông tư 09/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông, các loại xuất bản phẩm dành cho trẻ em (trừ sách giáo khoa) phải ghi rõ đối tượng phục vụ ở bìa 4 và trang tên sách. Điều này rất tốt cho bạn đọc nhưng gây nhiều lúng túng cho các NXB bởi sự chưa rõ ràng trong cách thực hiện.

Siết chặt thông tin cho trẻ em

Có thể nói, thị trường sách thiếu nhi thời gian qua trở thành điểm nóng của dư luận khi nhiều cuốn sách bị cho rằng có nội dung phản cảm, “đầu độc” các em nhỏ. Đơn cử, trong cuốn Những điều trẻ em cần biết: Cuốn sách nhỏ về bạo lực, hình ảnh người đàn ông và người phụ nữ trong tình trạng khỏa thân ôm nhau để minh họa cho câu “Bạo lực cũng giống như tình yêu thương, đã tồn tại từ xa xưa” bị đánh giá dung tục. Hàng loạt những sách truyện như Cô bé lọ lem (NXB Hồng Đức), Truyện tranh cổ tích Việt Nam chọn lọc (NXB Thanh Niên)… thời gian qua cũng khiến các bậc phụ huynh giật mình khi có những mô tả và hình ảnh minh họa ghê rợn, phản cảm. Đơn vị phát hành cuốn sách Hỏi đáp trí tuệ III cũng từng bị xử phạt khi sách có nội dung gây hoang mang, thiếu tính giáo dục trẻ nhỏ.

Bởi vậy, Thông tư 09 được kỳ vọng sẽ siết chặt, thanh lọc thông tin dành cho trẻ em. Thực tế, việc dán nhãn độ tuổi cho sách thiếu nhi đã được một số NXB tự thực hiện. Nhiều bộ sách thiếu nhi thời gian qua đã đề rõ độ tuổi như bộ sách Nhà khoa học trẻ (NXB Giáo dục Việt Nam), Truyện cổ tích cho bé (NXB Dân Trí)… Theo ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc NXB Kim Đồng, dán nhãn độ tuổi cho sách giúp các bậc phụ huynh có thể dễ dàng lựa chọn sách phù hợp hơn cho con cái của mình. Phụ huynh có con nhỏ nên tìm hiểu kỹ, đọc kỹ để chọn sách theo khả năng nhận thức và hiểu biết của con mình.

Mơ hồ về quy chuẩn dán nhãn

Ông Phạm Quang Vinh nhìn nhận, việc phân loại sách theo độ tuổi để dán nhãn không quá phức tạp. Bởi, theo khoảng độ tuổi như Thông tư 09 là dành cho đối tượng trẻ lớp mẫu giáo, tiểu học và trung học. Do đó, việc dán nhãn là theo tiêu chuẩn chung về sự phát triển của trẻ. Dù vậy, ông Vinh cho rằng, việc này chỉ mang tính chất tương đối chứ không hẳn có thể chính xác tuyệt đối.

Bởi hiện nay, việc dán nhãn hầu hết đều do các đơn vị làm sách tự thẩm định nội dung và dán nhãn độ tuổi. Mỗi đơn vị có những quy chuẩn khác nhau, ngoại trừ với những cuốn sách dịch thường làm theo nguyên tác bản gốc, dẫn tới việc thiếu thống nhất và đồng bộ. Nhà văn Nguyễn Trường, Giám đốc NXB Thanh Niên khẳng định, những cuốn sách dành cho trẻ em từ trước tới nay chưa cần thiết phải đụng đến giới hạn tuổi, ngoại trừ những sách giáo dục giới tính hoặc nhạy cảm liên quan tới tình yêu, tình dục… Còn nếu dán nhãn toàn bộ, ông Trường quan điểm, nên có những quy chuẩn chung cho việc dán nhãn để tránh thiếu đồng bộ.

Đồng quan điểm với ông Trường, chị Ngô Phương Lan, đại diện phát hành của Đinh Tị Books cho hay, nên có quy chuẩn chung cho việc dán nhãn để các NXB dựa vào đó thực hiện. Bởi, dán nhãn độ tuổi thực ra khá mơ hồ. Có thể người này thấy sách này phù hợp với lứa tuổi nọ, nhưng người kia lại thấy nó phù hợp với lứa tuổi khác. Vả lại, mỗi đứa trẻ cũng có những sự phát triển khác nhau. Dán nhãn khoảng độ tuổi không khó khăn, nhưng mỗi đơn vị gắn một kiểu theo cách của mình thì cũng lôm côm”, chị Lan chia sẻ.

Phóng viên Báo Giao thông đã liên hệ với Cục Xuất bản, In và Phát hành để làm rõ các thắc mắc đang tồn tại. Ông Hải Long, Chánh văn phòng Cục cho biết, Cục sẽ có câu trả lời trong thời gian sớm nhất bằng văn bản qua email.

Khoản 1, Điều 12, Thông tư 09 quy định, các loại xuất bản phẩm dành cho trẻ em (trừ sách giáo khoa) phải ghi rõ đối tượng phục vụ ở bìa 4 và trang tên sách theo các lứa tuổi: Dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, dành cho trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 11 tuổi và dành cho trẻ em từ 11 tuổi đến dưới 16 tuổi. Ngoài ra, các loại xuất bản phẩm dành cho trẻ em có cách phân loại độ tuổi khác với quy định phải ghi rõ độ tuổi cụ thể. Bên cạnh đó, Điều 16 nêu rõ, đối với các loại xuất bản phẩm dành cho trẻ em có nội dung về giáo dục giới tính, chống bạo lực, xâm hại thân thể trẻ em phải ghi dòng chữ “Cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn trẻ em đọc” tại trang tên sách hoặc tại bìa 4. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên về việc thực hiện các nội dung theo quy định tại Thông tư này đối với các đơn vị hoạt động xuất bản ở địa phương.

Thông tư 09/2017 có hiệu lực từ 1/10, nhưng đến 11/10, NXB Văn Học thông tin, vẫn chưa nhận được Thông tư. Trong khi đó, NXB Thanh Niên, NXB Trẻ cho biết, mới nhận được Thông tư, Văn bản chỉ đạo thực hiện theo Thông tư 09 chưa nhận được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.