Ảnh minh hoạ |
Bộ Nội vụ đang tiến hành lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Nói về sự cần thiết của việc ban hành Nghị định này, Bộ Nội vụ cho biết, dù đã điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng (tăng thêm 6,92%) từ 1/7/2018, song mức lương này còn chênh lệch quá nhiều so với mức lương tối thiếu vùng của khu vực doanh nghiệp và chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiếu của người lao động.
Cụ thể, mức lương cơ sở 1,39 triệu đồng/tháng mới đạt 41,62% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2018 (3,34 triệu đồng/tháng) và chỉ đạt 39,46% so với nhu cầu sống tối thiểu bình quân năm 2018 (3,522.5 triệu đồng/tháng), dẫn đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn.
Tuy điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, nhưng để cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 70 vào tháng 11/2018, trong đó quy định thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.39 triệu đồng/tháng lên 1.49 triệu đồng/tháng (tăng thêm 7,19%), thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2019. Vì vậy, theo Bộ Nội vụ, việc xây dựng Nghị định điều chỉnh mức lương cơ sở là cần thiết đế thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.
Về kinh phí thực hiện, ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Bộ Nội vụ cho viết sẽ sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) theo dự toán được cấp có thâm quyền giao năm 2019 của các cơ quan, đơn vị. Một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có).
Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên; Sử dụng nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) thực hiện so với dự toán năm 2018 do Thủ tướng Chính phủ giao; Sử dụng 50% phần ngân sách nhà nước giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính (do thực hiện tinh giản biên chế và đổi mới, sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) và các đơn vị sự nghiệp công lập; Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có); Sử dụng nguồn còn dư (nếu có) sau khi bảo đảm nhu cầu điều chỉnh tiền lương đến mức lương cơ sở 1.390.000 đồng/tháng.
Ngân sách T.Ư sẽ bổ sung nguồn kinh phí còn thiếu do điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2019 cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi đã thực hiện các quy định nêu trên.
Nếu áp dụng mức lương cơ sở mới là 1,49 vào bảng lương chức vụ theo nghị quyết 730/2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XI, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có 2 bậc lương (bậc 1 và bậc 2) với các mức tương ứng là là 14,4 triệu đồng và 15,3 triệu đồng.
Cụ thể, với lương bậc 1, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được hưởng hệ số 9,70, nhân với lương cơ sở 1,49 triệu sẽ cho ra mức lương tương ứng là 14,453 triệu đồng/tháng, cao hơn mức lương hiện tại 930 nghìn đồng/tháng.
Với những Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có bậc 2 với hệ số 10,30 sẽ được hưởng mức lương 15,347 triệu đồng/tháng, cao hơn mức hiện tại 1,03 triệu đồng/tháng.
Phó Chủ tịch nước nếu là bậc 1 sẽ có hệ số 11,10, mức lương được hưởng nếu tăng lương cơ sở lên 1,49 triệu đồng là 16,539 triệu đồng, nếu là bậc 2 với hệ số 11,70 thì sẽ hưởng mức lương 17,433 triệu đồng/tháng.
Các Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao có bậc 1 sẽ hưởng mức lương 15,496 triệu đồng/tháng, nếu bậc 2 sẽ là 16,39 triệu đồng/tháng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận