Thay đổi điều kiện hưởng lương hưu
Theo Bộ luật Lao động hiện hành, từ ngày 1/1/2024, tuổi nghỉ hưu của lao động nam trong điều kiện bình thường là 61 tuổi, lao động nữ là 56 tuổi và 4 tháng. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng lương hưu khi đóng đủ 20 năm trở lên và đến tuổi nghỉ hưu.
Cụ thể, lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Tương tự, lao động nam nghỉ hưu trong thời điểm đó, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH. Từ năm 2022 trở đi, số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% là 20 năm, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Sự thay đổi này nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số ở nước ta; đồng thời, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người lao động sau khi họ hoàn thành quãng thời gian lao động, đóng góp cho xã hội.
Hiện mức lương cơ sở đang là 1,8 triệu đồng, nên mức lương hưu thấp nhất là 1,8 triệu đồng/tháng. Lương hưu sẽ được điều chỉnh từ 1/7/2024. Chưa có quy định mức lương hưu tối thiểu sẽ tăng bao nhiêu phần trăm, nhưng được dự báo sẽ cao hơn mức lương cơ sở.
Lần tăng lương hưu gần nhất là từ 1/7/2023 theo quy định tại Nghị định 42 với mức tăng 12,5% hoặc 20,8% tùy các đối tượng cụ thể.
Đảm bảo lương hưu không bị trượt giá
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết năm 2024 sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27. Việc cải cách tiền lương sẽ đi đôi với điều chỉnh chính sách lương hưu trên tinh thần cân đối hài hòa, không để người hưu trí vẫn phải gặp khó khăn, thiệt thòi sau khi cải cách. Mức lương hưu sẽ tăng tối thiểu đạt 15% nếu mức lương của cán bộ, công chức, viên chức tăng 23,5%.
Ngoài ra, Bộ này cũng đã ban hành thông tư quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội . Các quy định của thông tư được áp dụng từ ngày 1/1/2024.
Theo thông tư, đối tượng điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội gồm người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2016 trở đi, hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/12/2024.
Bên cạnh đó, người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/12/2024.
Đối tượng điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/12/2024.
Với việc điều chỉnh tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2024, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, theo công thức tính lương đã đề cập, mức lương hưu cũng sẽ tăng theo. Việc tăng này nhằm đảm bảo lương hưu không bị trượt giá so với giá cả tiêu dùng.
Cách tính lương hưu của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ phần trăm lương hưu hàng tháng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Lao động nam đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội được tính bằng 45%; sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính 2%.
Lao động nữ đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội được tính bằng 45%; sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính 2%.
Mức hưởng lương hưu hàng tháng tối đa là 75%.
Hiện nay, mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động bằng mức lương cơ sở, tương ứng 1.800.000 đồng/tháng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận