Cảng Lạch Bạng ở phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa là địa điểm neo đậu tàu thuyền và trao đổi hàng hóa thủy hải sản lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, hiện nay cảng cá này đang đối diện với tình trạng bồi lắng, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cảng.
Ngư dân gặp khó khi ra, vào cảng
Được đầu tư nâng cấp vào năm 2003, cảng cá Lạch Bạng (cảng loại II) cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá với năng lực bốc dỡ hàng hóa 80.000 tấn/năm. Từ khi đưa vào khai thác, cảng cá Lạch Bạng đã thu hút lượng lớn tàu thuyền của thị xã Nghi Sơn và nhiều tỉnh, thành khác vào neo đậu, trao đổi hàng hóa, đồng thời là nơi tránh trú bão cho tàu cá của ngư dân.
Song, từ năm 2021 đến nay, cửa lạch, luồng tàu ra vào cảng đã bị bồi lắng, xuất hiện nhiều dải đá ngầm gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào, nhất là tàu có công suất từ 400CV trở lên.
Anh Nguyễn Trọng Tuấn, chủ tàu TH.92142.TS cho hay, trước kia, tất cả các tàu ở đây ra vào cảng rất thuận tiện. Nhưng khoảng 3 năm trở lại thì luồng bị bồi lắng, khiến tàu thường xuyên mắc cạn, làm đảo lộn cuộc sống ngư dân.
"Mỗi lần muốn ra, vào cảng thì phải chờ thủy triều lên, mất tầm 2 tiếng đồng hồ mới di chuyển được. Những hôm tàu về, gặp khi luồng cạn thì chúng tôi phải chờ ở ngoài cửa lạch. Đến khi nước lên cao mới cập bến, bốc hàng", anh Tuấn cho hay.
Theo thiết kế được công bố từ năm 2020, cảng cá Lạch Bạng có độ sâu luồng vào cảng -4,5m, chiều rộng luồng vào cảng 28m. Cầu cảng có chiều dài 400m, độ sâu vùng nước đậu tàu là -4,5m. Cảng cá Lạch Bạng đáp ứng được cho tất cả các loại tàu cá, kể cả tàu có chiều dài từ 15m trở lên với công suất từ 400-1.000 mã lực.
Anh Đinh Tiến Đạt, cán bộ phụ trách cảng cá Lạch Bạng cho biết, thực tế bồi lắng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến luồng tàu ra, vào cảng.
Nếu nước cạn, tàu cá của ngư dân phải đậu cách xa bờ khoảng 2km, khi nào có thủy triều thì mới vào cảng. Ngư dân kiến nghị rất nhiều lần và Ban quản lý dự án cảng cá cũng đã có đề nghị lên cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí để nạo vét, thanh thải dải đá ngầm. Nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được thực hiện.
"Trên địa bàn phường Hải Bình có 4 công ty thu mua hải sản, chưa kể hàng chục hộ dân khác cũng thu mua, chế biến bột cá, cá chả, nước mắm. Việc tàu cá cập bến chậm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Chưa kể, nhiều tàu lớn đã bỏ cảng đến nơi khác. Trước kia, tại cảng trung bình một ngày có 15-20 tàu vào nhưng bây giờ chỉ có 5-6 chiếc, có hôm không có tàu nào", anh Đạt cho hay.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Bình cho biết, từ năm 2016-2017 có tầm 500-600 tàu cá vào cảng. Tuy nhiên, những năm gần đây, do nhiều yếu tố như ngư trường khai thác kém sản lượng và luồng lạch bị cạn nên nhiều tàu đã rời cảng đến nơi khác. Hiện nay, chỉ còn khoảng 180 tàu cá, bao gồm cả tàu tỉnh ngoài.
"Khi chưa bồi lắng và ngư trường khai thác tốt thì cảng cá Lạch Bạng tiếp nhận 150.000 tấn thủy hải sản/năm. Nhưng đến bây giờ thì dao động khoảng 80.000-100.000 tấn/năm", ông Sơn nói.
Chi gần 70 tỷ nạo vét, thanh thải dải đá ngầm
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó trưởng Phòng Kinh tế, UBND thị xã Nghi Sơn thông tin, thời gian qua, tàu thuyền khi lưu thông vào khu cảng cá thuộc tuyến đường thủy nội địa quốc gia Lạch Bạng - Đảo Mê gặp khó khăn do việc cảng cá Lạch Bạng bị bồi lắng trong nhiều năm qua.
"Đây là tuyến đường thủy nội địa quốc gia do Bộ GTVT quản lý nên để xử lý nạo vét thì địa phương cũng đã có văn bản trình UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét kiến nghị với Bộ GTVT triển khai từ Km 1+00 đến Km 2+00.
Mới đây nhất, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt dự án nạo vét, thanh thải đá ngầm luồng tàu, khu vực cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng trong phạm vi luồng tuyến của tỉnh quản lý với chiều dài hơn 2km", ông Nhân cho biết thêm.
Là chủ đầu tư thực hiện dự án nói trên, ông Cao Bát Chí, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa cho hay, dự án có tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng.
Hiện nay, UBND tỉnh đang bố trí nguồn vốn để thực hiện lựa chọn thiết kế bản vẽ thi công, nhà thầu, tư vấn để đầu năm 2024 thi công. Luồng tuyến đường thủy nội địa quốc gia nằm phía ngoài khu vực cửa lạch với chiều dài 900m.
"Đối với đoạn tuyến thuộc quản lý của Bộ GTVT, địa phương không thực hiện nạo vét, còn lại phía trong sẽ thanh thải dải đá ngầm, nạo vét cửa và lòng cảng cá Lạch Bạng, luồng tàu khu neo đậu tránh trú bão đảm bảo cao độ đáy luồng và đáy bể có cốt -2,8 đến -4,5m.
Trong quá trình thực hiện, tỉnh cũng sẽ tiếp tục đề nghị Bộ GTVT bố trí nguồn vốn để thực hiện nạo vét đoạn tuyến 900m nhằm đồng bộ khi khai thác. Trong trường hợp Bộ GTVT chưa thực hiện cũng không ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tàu phía trong vì chúng tôi đã khảo sát, tính toán kỹ", ông Chí cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lý Văn Thích, Trưởng phòng Quản lý giao thông (Sở GTVT Thanh Hóa) cho biết: "Đối với đoạn 900m trùng với tuyến đường thủy nội địa quốc gia, Sở cũng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT chấp thuận kế hoạch nhu cầu và dự kiến kinh phí thực hiện nạo vét.
Tuy nhiên, đến nay dự án chưa được Bộ GTVT phê duyệt bổ sung đưa vào kế hoạch bảo trì, giao dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2023, nên chưa có cơ sở để triển khai thực hiện".
Năm 2022, Bộ GTVT có Công văn số 1865/BGTVT-KCHT trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Bộ GTVT đã giao cơ quan tham mưu phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở GTVT Thanh Hóa và các cơ quan tiến hành khảo sát thực địa các bãi cạn cửa Lạch Bạng, cửa Lạch Trường. Trên cơ sở kết quả báo cáo khảo sát thực địa của các cơ quan, Bộ GTVT sẽ xem xét quyết định việc nạo vét, đảm bảo đáp ứng yếu tố kinh tế, xã hội của tuyến luồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận