Vẫn chưa có sự thống nhất về mức tăng lương tối thiểu năm 2018 |
Sáng nay, 28/7, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã có phiên họp kín lần thứ 2 để đàm phán về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.
Trao đổi bên lề phiên họp, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN, nhận định: Tất cả con số về kinh tế - xã hội của 6 tháng đầu năm đều sáng sủa hơn năm 2016. Vì vậy không có lý gì mức tăng lương tối thiểu vùng thấp hơn năm 2017.
“Nếu lộ trình lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu vào năm 2018, thì mức tăng phải là 13,3%. Nếu kéo dài hơn thì xuống thấp hơn là 10%. Nếu đề xuất về mức tăng của Tổng LĐLĐVN không được chấp nhận, chúng tôi sẽ sử dụng quyền dừng tham gia phiên họp này để chờ phiên tới đây.”, ông Chính khẳng định. Được biết theo quy chế Hội đồng Tiền lương quốc gia, mỗi bên đều có quyền dừng cuộc họp 1 lần. Nếu sau đó chưa tìm được điểm chung, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ có quyền tự đề xuất mức tăng lương tới Chính phủ.
Từ phía đại diện doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại cho rằng, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 cao hơn mức 5% là không hợp lý. Qua điều tra đánh giá từ hơn 30 hiệp hội doanh nghiệp, VCCI kiến nghị không tăng hoặc nếu tăng thì nên tăng dưới 5%.
“Quan điểm của chúng tôi là việc tăng lương tối thiểu trong bối cảnh hiện tại sẽ ảnh hưởng tới chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Chúng tôi kỳ vọng Hội đồng sẽ có mức đề xuất phù hợp, đảm bảo sức chi trả của doanh nghiệp, qua đó tạo nguồn việc làm bền vững”, ông Phòng nói.
Trước những quan điểm trái chiều, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, xuất phát từ phía lợi ích của mình, các phương án đề xuất của mỗi bên có sự “chênh nhau” là chuyện bình thường. Chính vì thế các bên phải ngồi lại để thương lượng tìm ra điểm cân bằng. Tuy nhiên, ông Diệp cũng khẳng định: Lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu. Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, trong quy chế của Hội đồng không có chuyện các thành viên không bỏ phiếu: “Các thành viên vẫn tham gia bỏ phiếu dù là phiếu trắng. Mỗi thành viên của Hội đồng Tiền lương quốc gia phải chịu trách nhiệm với tập thể mà mình đại diện”, ông Diệp nói.
Trước đó, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất 4 phương án mới để các bên tham khảo. Theo đó, mức điều chỉnh năm 2018 thấp nhất là 5% và cao nhất là 8% theo 4 phương án:
Phương án 1, tăng mức lương tối thiểu từ 130.000 - 180.000 đồng, tương đương 4,8 - 5,2% (bình quân 5%).
Phương án 2, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 160.000 – 220.000 đồng, tương đương 5,9 - 6,2% (bình quân 6%).
Phương án 3, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 180.000 – 250.000 đồng, tương đương 6,6 - 7,0% (bình quân 6,8%, bằng mức điều chỉnh phương án 1 và cải thiện thêm 1,8% theo mức đóng góp tối đa của lao động vào GDP).
Phương án 4, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 220.000 – 280.000 đồng, tương đương 7,5 - 8,5% (bình quân 8,0%)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận