Xã hội

Lương tối thiểu tăng cao nhất 250.000 đồng/tháng

03/08/2016, 07:35

Ngày 2/8, phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 được chốt ở tỷ lệ tăng bình quân khoảng 7,3%.

15

Phương án tăng lương tối thiểu năm 2017 được cho rằng sẽ đáp ứng 90% mức sống tối thiểu của người lao động

Đáp ứng 90% mức sống tối thiểu?

Sau hơn 4 tiếng thảo luận không đạt kết quả, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã phải dùng hình thức bỏ phiếu để chốt phương án tăng lương tối thiểu năm 2017 ở tỷ lệ bình quân 7,3%.

Cụ thể, mức lương tối thiểu Vùng I tăng thêm 250.0000 đồng/tháng; Vùng II tăng thêm 220.000 đồng/tháng; Vùng III tăng thêm 200.000 đồng/tháng và Vùng IV tăng thêm 180.000 đồng/tháng so với mức lương tối thiểu hiện tại.

"Mức tăng 7,3% phản ánh đúng tình hình tiền lương, cộng thêm yếu tố năng suất lao động; vừa bảo đảm được đời sống của người lao động, vừa cân nhắc tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”.

Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH
Phạm Minh Huân

Tại cuộc họp báo chiều 2/8, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH cho rằng, với mức tăng 7,3% trong năm 2017 thì lương tối thiểu đã đáp ứng được 90% mức sống tối thiểu của người lao động. Theo Thứ trưởng Huân, trước khi buổi họp diễn ra, hội đồng kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương đã có hai báo cáo đánh giá tác động của việc tăng lương tối thiểu dựa vào điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của nền kinh tế, dựa vào tốc độ tăng GDP, năng suất lao động và có cả những khảo sát thực tế của người lao động.

“Trước khi đi đến kết quả tăng ở mức 7,3%, phương án mà các bên đưa ra còn khoảng cách rất xa. Phía Phòng Thương mại và công nghiệp Việt nam (VCCI) đưa phương án tăng khoảng 4 - 5% trong năm 2017, thậm chí, Hiệp hội Dệt may, da giày, thủy sản… còn đề xuất không tăng lương trong năm nay trước bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, đơn hàng chuyển sang các nước khác”, ông Huân phân tích.

Trước lo ngại về tình trạng giá cả tăng theo lương, vị thứ trưởng khẳng định sẽ báo cáo với cơ quan chức năng để có giải pháp kiểm soát giá cả.

“Qua khảo sát cho thấy, đời sống của người lao động còn khó khăn, chúng tôi cũng trăn trở rất nhiều... Rất cần sự chia sẻ và đồng cảm của người lao động trong việc hỗ trợ doanh nghiệp để cùng phát triển và ngược lại”, ông Huân cho hay.

Được biết, trước đó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất phương án tăng lương tối thiểu năm 2017 ở tỷ lệ tăng khoảng 11% tương đương với mức từ 250.000 - 400.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, phía VCCI chỉ đề xuất tăng 5%.

Doanh nghiệp và người lao động cùng thất vọng

Được biết, ngay sau khi chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ gửi trình Chính phủ xem xét và phê duyệt. Bình luận về kết quả trên, phía đại diện người lao động, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chia sẻ: “Chắc chắn là chúng tôi không hài lòng. Kinh tế khó khăn, đặc biệt là ngành Dệt may, chúng tôi cũng đã hạ mức đề xuất từ 11% xuống 10%. Vậy mà chốt lại còn 7,3%, chắc chắn chúng tôi sẽ nhận sức ép lớn từ người lao động bởi cuộc sống của họ rất khó khăn”.

Ngược lại, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại tỏ ra không hài lòng với mức đề xuất tăng lương quá cao: “Mức tăng ở tỷ lệ 7,3% sẽ là một thách thức với DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa vì bất cứ sự thay đổi nhỏ nào cũng dẫn tới khó khăn đối với họ. Theo đó, các DN sẽ phải đổi mới công nghệ, quản trị để tăng năng lực cạnh tranh và khả năng chi trả lương cho người lao động”.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty May Hưng Yên, phương án tăng lương tối thiểu khiến nhiều DN khá thất vọng, không hợp lý, kìm hãm sự phát triển của các DN nói chung và các DN dệt may nói riêng.

“Chuẩn nghèo giai đoạn 2016 -2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký cũng đã khẳng định mức sống trung bình ở nông thôn là 1-1,5 triệu đồng/tháng, ở thành thị là 1,3-1,9 triệu đồng/tháng. Vậy mà giờ đây mức lương tối thiểu vùng lại cao hơn gấp 2 - 3 lần. Điều này là không hợp lý”, ông Dương lý giải.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.