Kết quả phiên đàm phán, các bên thống nhất với mức tăng trung bình 5,5% so với lương tối thiểu của 2019.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng I tăng nhiều nhất với 240 nghìn đồng/tháng từ 4.180 lên 4.420 nghìn đồng. Tiếp theo là lương vùng II từ 3.710 lên 3.920 nghìn đồng; vùng III từ 3.250 lên 3.430 nghìn đồng; vùng IV từ 2.920 lên 3.070 nghìn đồng.
Theo quy trình, sau khi các bên chốt mức lương tối thiểu vùng, Bộ LĐTB&XH sẽ trình Chính Phủ để xem xét và ra quyết định.
Trước đó, tại phiên họp đầu tiên hồi tháng 6 vừa qua, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 của các bên vẫn ở mức cách xa nhau. Cụ thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng cao nhất 8,18%, trong khi phía đại diện người sử dụng lao động Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đề xuất tăng dưới 3%. Cũng tại phiên họp này, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, căn cứ kết quả tính toán cho thấy mức lương tối thiểu năm 2019 đã bảo đảm 95% mức sống tối thiểu của người lao động. Căn cứ theo Nghị quyết 27-NQ/TW, đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2020 bình quân các vùng là khoảng 5,2%.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã trả mức lương tối thiểu 2019 tăng thêm tới trên 6% so với mức của năm 2018. Trong khi, mức lương tối thiểu 2019 được Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất tăng chỉ là 5,3%. Vậy vấn đề là tăng tiền lương tối thiểu chỉ tác động vào các chi phí khác của doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh, “sức khoẻ” của doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận