Bạn cần biết

Lưu ý dinh dưỡng cho bé khi đi du lịch ngày lễ

30/04/2016, 13:12

Để chuyến đi du lịch ngày lễ được trọn vẹn, bác sĩ lưu ý chế độ dinh dưỡng cho cha mẹ có con nhỏ.

luu-y-dinh-duong-khi-tre-du-lich

Cần lưu ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ khi đi du lịch

Kỳ nghỉ năm nay dù kéo dài 4 ngày nhưng gia đình chị Nguyễn Mai Hoan (Hà Nội) quyết định ở nhà vì cứ nhớ đến kỳ nghỉ năm ngoái chị lại phát hoảng. Chị Hoan cho biết, năm trước cả nhà đi Nha Trang 5 ngày mang theo cả cậu con trai đã tròn 3 tuổi. Thế nhưng đặt chân đến Nha Trang chừng một buổi cậu con trai đã có dấu hiệu tiêu chảy. "Mặc dù cho con dùng thuốc cầm tiêu chảy thế nhưng chỉ hiệu quả trong chốc nhát. Vừa đi mắc tiêu chảy, thằng bé lại vừa không ăn gì được vì thức ăn lạ. Đến ngày thứ 3 người cứ lả ra, gầy xọp… hai mẹ con chỉ mong ngóng ngày về nhà”, chị Hoan cho biết.

Theo BS Dinh dưỡng Nguyễn Trọng Hưng, những trường hợp như gia đình chị Hoan không phải hiếm gặp. Bởi thực tế, việc cho trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi đi du lịch dài ngày sẽ kéo theo sự thay đổi hoàn toàn về giờ giấc sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng vốn có của trẻ. Do vậy, trẻ kém thích nghi sẽ khiến trẻ mệt mỏi, kém ăn, thậm chí mắc rối loạn tiêu hóa...

Chính vì vậy, BS Hưng khuyến cáo các cha mẹ, việc đầu tiên là cần đảm bảo nguồn thực phẩm, nước uống an toàn cho trẻ; đồng thời đảm bảo giờ giấc ngủ nghỉ, ăn uống hợp lý cho trẻ.

Đặc biệt, lưu ý trước khi cho trẻ ăn thực phẩm lạ, cha mẹ cần thứ trước để tránh cho trẻ có thể bị dị ứng hoặc mắc tiêu chảy. “Cha mẹ nên chọn loại thức ăn quen thuộc với trẻ. Đồng thời, nên cho trẻ ăn đủ 4 nhóm thực phẩm bao gồm: tinh bột, đạm, dầu mỡ, rau xanh và quả chín. Đó là giải pháp an toàn để bảo đảm sức khỏe cho trẻ trong các chuyến du lịch dài”, BS. Hưng tư vấn.

Còn theo lưu ý của BS Nhi khoa Nguyễn Tiến Dũng, trong trường hợp trẻ mắc tiêu chảy, điều quan trọng nhất là cho trẻ uống nhiều nước để bù lượng nước đã mất. Vì nguy hiểm nhất của tiêu chảy là mất nước và muối, có thể tử vong nếu không được bù nước thích hợp và kịp thời. Do vậy, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu thấy xuất hiện một trong những dấu hiệu: Mắt hõm sâu, miệng cực kỳ khô, khát nước, khóc không thấy nước mắt, tiểu tiện ít, không muốn ăn và uống nước, nôn mửa nhiều lần, trong 1-2 giờ đồng hồ đại tiện ra nước, chướng bụng, trong phân có máu...

Bên cạnh đó, phải lưu ý không để trẻ bị lạnh hoặc nóng đổ mồ hôi nhiều trong khi đi du lịch bởi sẽ khiến trẻ rất dễ bị viêm đường hô hấp, mất nước.

“Khi du lịch có trẻ nhỏ cùng đi các gia đình nên dự phòng thêm một số thực phẩm thiết yếu như sữa, cháo ăn liền hay bánh quy... và một số loại thuốc như cầm tiêu chảy, hạ sốt, men tiêu hóa…”, ông Hưng khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.