Hỏi:
Tôi được biết nếu nhận biết sớm dấu hiệu của đột quỵ để can thiệp kịp thời sẽ giảm thiểu biến chứng của bệnh. Vậy mong bác sĩ chỉ dẫn cách nhận diện bệnh?
Trần Hoàng (TP.HCM)
Ảnh minh họa
TS. BS. Đinh Vinh Quang, Khoa Nội Thần kinh Tổng quát, BV Nhân Dân 115 trả lời:
Hiện, tỷ lệ tử vong của đột quỵ gây ra đã đứng hàng đầu trong tất cả các bệnh lý. Những người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ cũng phải chịu hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.
Hơn nữa, đột quỵ ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Trước đây, những người bệnh thường bị đột quỵ sau 60 tuổi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ lệ người bệnh đột quỵ dưới 40 tuổi có thể lên tới 5 - 6%.
Các dấu hiệu của đột quỵ tương đối đơn giản, thường xảy ra một cách đột ngột với các triệu chứng như: Mặt bị méo lệch qua một bên, người bệnh đang ăn uống gì đó thì đồ ăn sẽ bị rớt xuống; tay hoặc chân hoặc cả tay chân bệnh nhân bị yếu liệt; nói khó hoặc là thậm chí là không nói được.
Theo đó, nếu bệnh nhân đang sinh hoạt bình thường nhưng bỗng dưng xuất hiện 1 trong 3 triệu chứng này hoặc xảy ra đồng thời cả 3 triệu chứng thì đây chính là dấu hiệu báo động bệnh nhân đã bị đột quỵ.
Các yếu tố đóng vai trò then chốt trong việc cấp cứu đột quỵ chính là chúng ta phải nhận biết được các dấu hiệu, triệu chứng của đột quỵ, sau đó lập tức đưa người bệnh cấp cứu ở những cơ sở y tế có khả năng cấp cứu đột quỵ càng sớm càng tốt. “Thời gian vàng” trong đột quỵ được tính từ lúc người bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Đột quỵ có 2 loại là nhồi máu não và xuất huyết não. Nhồi máu não chiếm tới 80% các trường hợp đột quỵ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận