Sau cuộc chia tay nghìn tỷ giữa hai vợ chồng đại gia Trung Nguyên, doanh nghiệp này đứng trước tình cảnh chông chênh vì có nguy cơ chỉ còn một nửa.
Câu chuyện tách cà phê đổi đời của Trung Nguyên, giờ đã không còn suôn sẻ.
Doanh nghiệp Việt rất hiếm có được công ty nào giống Trung Nguyên. Họ đã thành công cả trong nước và ngoài biên giới. 60 quốc gia trên toàn cầu đang nhập cà phê của họ.
Điều này vẫn là một giấc mơ với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông sản thực phẩm.
Nhưng giờ đây, trước bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu về ngành hàng cà phê chế biến, các thương hiệu nổi tiếng thế giới khác đang vươn lên mạnh mẽ, liệu Trung Nguyên sau vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng đại gia Đặng Lê Nguyên Vũ – Lê Hoàng Diệp Thảo có đủ vững chãi để vượt sóng gió, tiếp tục vươn ra biển lớn?
Họ đã và đang suy yếu so với vài năm trước, đó là điều rõ ràng. Sau cuộc chia tay đình đám này, dù tỷ lệ phân chia tài sản là 50-50 hay bao nhiêu, với sự phức tạp trong việc nắm giữ cổ phần ở Trung Nguyên và các công ty con của cả hai vợ chồng, họ còn đối mặt với những khó khăn lớn hơn ở nhiều phương diện.
Kịch bản thứ nhất, sau phiên toà, nếu một trong hai người rời đi tìm lối riêng. Trung Nguyên sẽ phải tìm nguồn lực khác lấp đầy chỗ trống.
Với một ngành hàng nhiều triển vọng, một thương hiệu uy tín có sẵn, số khách hàng hiện hữu cả trong nước lẫn trên thế giới lại nằm ngay tại vùng nguyên liệu..., Trung Nguyên gọi vốn sẽ không quá khó khăn.
Sẽ không thiếu các ngân hàng hay quỹ đầu tư lớn gật đầu rót tiền cho thương hiệu này. Nhưng nói tới tiền, tài chính chưa bao giờ là thứ có thể nói cho vui. Càng không phải là cứu cánh an toàn nhất.
Bước ngoặt này của Trung Nguyên có thể đưa công ty lâm vào một cái bẫy của đối thủ cùng ngành hàng cũng như của những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh. Được hợp tác cùng Trung Nguyên hay sở hữu một phần nào đó ở tập đoàn này là sự thèm khát của nhiều nhà đầu tư. Nếu có những mánh lới hay thủ đoạn để đạt tới điều này, cũng là chuyện không hiếm trên thương trường.
Kịch bản thứ hai, nếu cả hai vợ chồng vẫn không rời Trung Nguyên, mọi chuyện cũng vô cùng phức tạp. Cuộc tranh giành quyền lực còn âm ỉ và gay cấn hơn nữa, có thể không khác gì những thứ ta vẫn thấy trong phim Hồng Kông.
Điều này không lạ bởi từ những mâu thuẫn ban đầu cho tới phiên tòa ly hôn đình đám này, quyền điều hành Trung Nguyên là thứ duy nhất hai bên tranh giành.
Sẽ thật đau lòng nếu chính những người đã chung tay sáng lập và phát triển Trung Nguyên thành thương hiệu Việt kiêu hãnh vượt ra khỏi ranh giới địa lý quốc gia lại đối đầu, kìm hãm và hủy hoại chính siêu phẩm họ đã tạo ra.
Kịch bản khác, một kịch bản được mong đợi hơn cả: Đây cũng có thể là bước ngoặt quan trọng đưa Trung Nguyên đổi mới. Tất cả phụ thuộc vào trí lực, tầm nhìn và kinh nghiệm của người thuyền trưởng.
Cho dù bất kể là ai, nhiều bản lĩnh cỡ nào thì uống tới giọt đắng cuối cùng còn lại trên đáy ly, đôi khi có cả cặn cũng là điều chẳng thể dễ dàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận