Báo Giao thông vừa đăng bài "Tranh luận sôi nổi quy định cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn", truyền tải ý kiến của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Trong đó, một số đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng quy định cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn vì "chưa phù hợp với các quy định về y tế cũng như chưa đảm bảo tính khoa học".
Có đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có sự phối hợp với các cơ quan chuyên ngành như Bộ Y tế, các chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung này, để khi luật ban hành nhận được sự ủng hộ lớn hơn; nên có giới hạn nhất định về nồng độ cồn trong máu, hơi thở, khi vượt qua mốc đó thì mới phạt…
Tuy nhiên, cũng có nhiều đại biểu ủng hộ việc cấm tuyệt đối và cho rằng, việc xử lý nồng độ cồn quyết liệt vừa qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt, kéo giảm tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia.
Gửi ý kiến tới Báo Giao thông, không ít bạn đọc bày tỏ, nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn.
"Vài người kêu bị oan, nhưng số đó là bao nhiêu, so với bao nhiêu người đã được cứu sống nhờ bớt những kẻ say xỉn ngồi sau tay lái.
Để mình không bị oan, thì một giọt cũng không uống, nay uống nhiều thì mai cũng đừng lái xe đi làm", bạn đọc Tuấn Minh nêu quan điểm.
"Đã cấm là cấm hẳn, chứ giới hạn mức độ thì biết bao nhiêu là vừa? Có ai uống rồi mà nhận mình say đâu?", bạn đọc Nguyễn Lâm đặt vấn đề.
"Nên cấm tuyệt đối, đã uống rượu bia thì không lái xe, không thể biện minh là uống ít uống nhiều. An toàn phải là trên hết!", bạn đọc có nickname Hoaiphuong viết.
Bạn đọc Trần An (Hải Phòng) cũng nêu lý do: "Từ khi cấm tuyệt đối uống rượu bia lái xe vào năm 2019, sau đó cảnh sát giao thông làm nghiêm thì mọi thứ thay đổi hẳn.
Ra đường không nơm nớp bị những kẻ say đâm vào mình. Mở báo ra đọc mỗi ngày không còn thấy liên tiếp các vụ ma men gây tai nạn.
Tuy nhiên, để cho công bằng, nếu ai đó dùng thực phẩm, dùng thuốc bị tăng nồng độ cồn và bị phạt oan thì nên có cơ chế được khiếu nại. Vậy là ổn".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận