Vươn ra biển (hay “Chu hai” trong tiếng Trung) là chiến lược mở rộng ra nước ngoài mà nhiều “titan công nghệ” - các công ty có giá trị trên 100 tỷ USD tại Trung Quốc đang thực hiện trong thập kỷ qua. Khi những thị trường lớn như Ấn Độ, Mỹ ngày càng có nhiều rào cản, các “titan” này lại tập trung nguồn lực sang khu vực Đông Nam Á - thị trường được nhận định có giá 655 triệu USD.
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn giới công nghệ Trung Quốc
Cuối tháng 6 vừa rồi, Ấn Độ cấm 59 ứng dụng phổ biến của Trung Quốc bao gồm TikTok và WeChat, sau khi hai nước xảy ra xung đột biên giới. Gần đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh yêu cầu cấm 2 ứng dụng nổi tiếng trên của Bắc Kinh, tiếp tục đẩy căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới leo thang.
Trước những bất ổn như vậy, giới quan sát cho rằng, nhiều công ty như nhóm 3 tập đoàn lớn BAT (Baidu, Alibaba và Tencent) sẽ chuyển hướng mở rộng và đầu tư sang Đông Nam Á. Tuy đây là thị trường đầy rẫy thách thức vì phân mảnh nhưng vẫn có nhiều lý do hấp dẫn để các công ty Trung Quốc đầu tư. Đầu tiên là trong khi môi trường địa chính trị đang ngày càng khắc nghiệt tại phương Tây thì Đông Nam Á nổi lên thành thị trường quan trọng, ít sức ép hơn đối với các công ty Trung Quốc.
Ngoài ra, tại đây, các công ty Trung Quốc sẽ dễ dàng mở rộng hơn so với ở Ấn Độ hay các thị trường nói tiếng Anh khác. Thậm chí, họ có thể dập khuôn mô hình kinh doanh bởi trình độ phát triển công nghệ ở Đông Nam Á thấp hơn tương đối so với Trung Quốc, đặc biệt trong mảng thanh toán di động, thương mại điện tử.
Ông Li Jianggan, Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp Momentum Works cho rằng: “Nhờ có sự tương đồng về văn hóa, lịch sử, địa chính trị cũng như nhiều điểm tương đồng trên con đường phát triển KT-XH, Đông Nam Á trở thành địa điểm mở rộng một cách tự nhiên”.
Giới chuyên gia trong ngành nhận định, dù phải gánh chịu những tổn thất nặng nề từ dịch Covid-19, các nước Đông Nam Á vẫn nắm trong tay rất nhiều nền tảng mạnh.
“Trong đó, Singapore là trung tâm hấp dẫn nhất với số lượng công ty công nghệ Trung Quốc dẫn đầu, tương đương Thung lũng Silicon của Mỹ. Indonesia và Việt Nam cũng rất được quan tâm vì dân số đông, đa phần là người trẻ và tiềm năng lợi nhuận khả quan”, ông Liew Nam Soon, đối tác quản lý khu vực ASEAN của Công ty tư vấn EY nói.
Đấu trường ngầm giữa các gã khổng lồ công nghệ
“Chiến lược chuyển hướng Đông Nam Á của giới doanh nghiệp công nghệ có giá trị trên 100 tỷ USD của Trung Quốc bắt đầu gây chú ý khi Alibaba lần đầu tiên đầu tư hàng tỷ USD vào nền tảng thương mại điện tử Lazada năm 2016”, bà Wang Xiaofeng, nhà phân tích cấp cao tại Công ty nghiên cứu Forrester nói.
Nối gót Alibaba, hàng loạt tập đoàn công nghệ khác của Trung Quốc đổ tiền vào các đợt gọi vốn trị giá tới hàng tỷ USD của các công ty khởi nghiệp trong khu vực và gián tiếp đối đầu nhau trên thị trường Đông Nam Á. Cạnh tranh giữa Lazada và Shopee thực chất là cuộc chiến ngầm giữa Alibaba và Sea Group mà Tập đoàn Tencent là đại cổ đông.
Dự kiến, số lượng “địch thủ” trên thương trường này sẽ tiếp tục đông khi Công ty trí tuệ nhân tạo (AI) Sensetime, Công ty thương mại điện tử JD.com và ByteDance (chủ sở hữu của ứng dụng nổi tiếng TikTok) bắt đầu có động thái quan tâm. Chỉ riêng trong tháng 4, ByteDance đã tuyển dụng hơn 70 vị trí tại Singapore, lấp đầy các vị trí phát triển phần mềm và vận hành. Trong khi đó, tính đến 30/7, Alibaba đã đăng 80 bài viết tuyển nhân sự trên LinkedIn để làm việc tại Singapore, chủ yếu cho Lazada.
Tại đấu trường này, cuộc chiến cam go nhất giữa các tập đoàn công nghệ Trung Quốc là lĩnh vực thương mại điện tử. Bởi, không giống như các lĩnh vực đang nổi như thanh toán điện tử hay truyền dữ liệu streaming, thương mại điện tử đang được quan tâm số 1 trong hệ sinh thái công nghệ Đông Nam Á, nhất là sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ.
Thực tế, trong lĩnh vực thương mại trực tuyến, Alibaba không thông qua công ty ủy quyền như cuộc chiến ví điện tử, mà trực tiếp “tham chiến”. Từ năm 2016, họ đã đổ 4 tỷ USD vào Lazada và trực tiếp nắm giữ khả năng chi phối điều hành các hoạt động thường nhật của công ty nhiều hơn. “Gã khổng lồ” này cũng đổ tiền vào Công ty Tokopeia của Indonesia đối đầu với đối thủ nặng ký Bukalapakvốn có Tập đoàn Ant đứng sau.
Trước đó, để ghi dấu ấn tại Đông Nam Á, Alibaba còn thành lập văn phòng ở Singapore vào năm 2013. Tuy ý định ban đầu là phục vụ các chủ cửa hàng tại địa phương trên thị trường mua sắm điện tử Taobao nhưng sau đó Alibaba chuyển hướng mở rộng hoạt động, với hàng loạt dự án khủng như đầu tư vào Lazada, dịch vụ logistics Cainiao và trang bán lẻ trực tuyến Tmall.
Tencent - “ông lớn” trong ngành công nghệ Trung Quốc cũng vươn lên cạnh tranh thông qua các khoản đầu tư vào tập đoàn Sea, nhưng không chọn cách tiếp cận như Alibaba.
Shopee mà Tencent hậu thuẫn đã có nhiều bước đi đáng kể, đối trọng với Lazada. Năm ngoái, ứng dụng này vươn lên vị trí đầu tiên trong danh sách các nền tảng mua sắm trực tuyến hàng đầu tại Đông Nam Á, trong khi Lazada về vị trí thứ 2, theo khảo sát do Công ty iPrice thực hiện.
Gã khổng lồ thứ 3 trong làng công nghệ Trung Quốc là JD.com cũng đang củng cố sức mạnh trên thị trường láng giềng tiềm năng này, thể hiện qua một số chiến lược thành lập doanh nghiệp liên doanh với một số công ty như Central Group tại Thailand và Provident Capital ở Indonesia.
Không chỉ dừng lại ở đầu tư tài chính
Ông Liew Nam Soon, đối tác quản lý khu vực ASEAN của Công ty tư vấn EY nhận định, chiến lược mở rộng của các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ không chỉ dừng lại ở đầu tư tài chính mà họ còn “tìm kiếm cơ hội để thu mua những công ty sở hữu nền tảng mạnh, giá trị khách hàng, ngôn ngữ lập trình mạnh mẽ”.
Củng cố thêm nhận định này, ông Patrick Yeo, lãnh đạo lĩnh vực vốn đầu tư mạo hiểm của PwC tại Singapore cho biết: “Nếu các nước phương Tây tiếp tục siết chặt các biện pháp tấn công Trung Quốc, xu hướng Đông Nam Á sẽ được đẩy nhanh hơn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận