Góc nhìn

Lý do các quan chức Trung Quốc "vắng mặt" 2 tuần liên tiếp

21/08/2018, 10:33

Việc cả Mỹ và Trung Quốc đều cứng rắn trong cuộc chiến thương mại khiến nhiều chuyên gia lo ngại xung đột...

25

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang leo thang với những “cú đấm thuế” ngày càng nặng

Việc cả Mỹ và Trung Quốc đều cứng rắn trong cuộc chiến thương mại khiến nhiều chuyên gia lo ngại xung đột không ngừng gia tăng có thể dẫn đến hậu quả nguy hiểm và không lường trước được. Những nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã tập trung về một địa điểm ở Bắc Đới Hà để họp bàn cách ứng phó Mỹ.

Nhóm họp bí mật tại Hà Bắc

Trong gần hai tuần, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã không xuất hiện trước công chúng để cùng nhau nhóm họp tại một khu nghỉ mát ven biển phía Đông tỉnh Hà Bắc, SCMP ngày 20/8 dẫn nguồn tin bí mật cho hay.

Dù thông tin về cuộc họp ở bãi biển Bắc Đới Hà (Beidaihe) là bí mật, nhưng chương trình nghị sự cấp cao này dường như bị chi phối bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ và lo ngại căng thẳng leo thang của hai quốc gia vượt ra khỏi các tranh chấp thương mại, mâu thuẫn kinh tế.

Giới phân tích Trung Quốc đã tiến hành đánh giá những động thái của Mỹ và nhận thấy, chiến tranh thương mại dường như là một phần chiến thuật của Washington để kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc thời gian qua. Nhiều nhận định cho rằng, Bắc Kinh sẵn sàng dàn xếp với Hoa Kỳ khi cử Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen sang Mỹ để đàm phán trong tháng này. Tuy nhiên, ông Wang không thể đạt được bất kỳ đột phá nào ngoài việc làm nhiệm vụ tiền trạm, dò đường cho nhiều cuộc đàm phán hơn tiếp theo.

“Ông Donald Trump đang rất tự tin còn Trung Quốc không thể hiện sự yếu thế”, một cựu quan chức thương mại Trung Quốc nhận định và cho biết thêm: “Trung Quốc phải vững vàng chống lại những thách thức tối đa của Trump. Quá nhiều nhượng bộ ở giai đoạn đầu sẽ chỉ khiến ông Trump trở nên khiêu khích hơn”.

Vào thời điểm diễn ra cuộc họp ở Bắc Đới Hà, báo giới Trung Quốc đã xuất bản một loạt bài xã luận và bình luận với cách tiếp cận gay gắt hơn về quan hệ Trung - Mỹ. Trong đó, có bài xã luận chỉ trích, hành động của Mỹ không chỉ thu hẹp thâm hụt thương mại, mà còn kiềm chế Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực rộng lớn hơn.

Chuyên gia về Trung Quốc Cheng Li tại Viện Brookings (Washington) cho rằng, cùng với thương mại, một danh sách dài về an ninh và các tranh chấp khác với Mỹ đã tạo ra một áp lực chính trị cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đồng quan điểm, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Stapleton Roy cho biết, nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể phải đối mặt với áp lực chưa từng thấy trong cuộc họp Bắc Đới Hà. Theo đó, 2 thách thức chính được trình bày bao gồm: Cuộc đối đầu với Mỹ và sự đối kháng nội bộ ở Bắc Kinh khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố gắng khôi phục kiểm soát tất cả mọi lĩnh vực.

Trong đó, với cách tiếp cận hiện tại, có vẻ như chính quyền Mỹ sẽ không vội vàng chấm dứt cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ông Trump sẽ không dừng lại nếu không thu được kết quả đáng kể.

Vượt xa vấn đề thuế quan

Một vấn đề nhạy cảm có thể mở rộng cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung vượt ra khỏi tầm kiểm soát là các hoạt động gần đây của Washington trong việc thúc đẩy quan hệ với đảo Đài Loan.

Được mô tả như “bước đột phá” trên phương tiện truyền thông Đài Loan, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã phát biểu khi bà quá cảnh tại Los Angeles (Mỹ) hồi tuần trước. Đây là một ví dụ điển hình cho việc Washington thúc đẩy quan hệ với hòn đảo đang mong muốn có được vị thế độc lập.

Theo ông Li, Mỹ đánh giá thấp vấn đề nhạy cảm Đài Loan đối với Bắc Kinh cũng như quyết tâm của Trung Quốc sử dụng vũ lực nếu cần thiết. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đánh giá thấp sự sẵn sàng đáp trả bằng vũ lực của Mỹ nếu cường quốc châu Á dùng đến sức mạnh quân sự của mình.

Chuyên gia từ Viện Brookings cảnh báo nguy cơ leo thang từ một cuộc chiến thương mại đến một cuộc chiến thực sự, đặc biệt là các vấn đề gây tranh cãi như Đài Loan và biển Đông. “Nhưng, việc động chạm đến những mối nguy hiểm tiềm năng như vậy có thể giúp cả hai bên quay trở lại bàn đàm phán”, ông Li nói.

Theo ông Li, “đối với Bắc Kinh, mọi thứ có thể được thảo luận miễn là Trung Quốc được đối xử như một đối tác hay một người bạn. Nhưng nhiều thứ không thể thương lượng khi đã coi nhau như kẻ thù”.

Một kịch bản tốt nhất đối với hai cường quốc kinh tế lớn nhất, nhì thế giới là việc hai nhà lãnh đạo có thể nói chuyện với nhau. Ông Li cho rằng, bỏ qua những khác biệt trong cá tính của hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể kết thúc. Điều này còn dễ dàng hơn việc khôi phục lại mối quan hệ đã từng rất thân thiện giữa họ.

“Cách tốt nhất là kiểm soát thật cẩn thận những khác biệt và tránh leo thang thêm. Cả hai bên nên đợi đúng thời điểm để hàn gắn mối quan hệ đang “lạnh giá”, ông Li nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.