Thế giới giao thông

Lý do hàng loạt quốc gia châu Phi cấm xe ôm

26/11/2024, 17:17

Nhiều quốc gia châu Phi như Liberia, Nigeria, Rwanda, Burundi,... đã cấm dịch vụ vận tải hành khách bằng xe máy (còn gọi là xe ôm) với nhiều mức độ, phạm vi và lý do áp dụng lệnh cấm khác nhau.

Nigeria cấm xe ôm vì lo ngại tội phạm

Mới đây nhất, kể từ tháng 8/2024, lệnh cấm xe ôm sẽ bắt đầu có hiệu lực tại TP Lagos, đô thị lớn nhất Nigeria.

Theo báo cáo của hãng tin BBC, chính quyền Nigeria sẽ bắt giữ và tịch thu phương tiện của những tài xế xe ôm vi phạm lệnh cấm.

Lý do hàng loạt quốc gia châu Phi cấm xe ôm- Ảnh 1.

Lãnh đạo TP Lagos cho rằng nhiều tài xế xe ôm thường xuyên vi phạm luật giao thông, đe dọa an toàn tính mạng của người đi đường. (Ảnh: The Guardian)

Lệnh cấm trên bắt nguồn từ vụ án một số tài xế xe ôm sát hại dã man một hành khách đi xe sau khi tranh cãi về giá vé hồi tháng 5 vừa qua.

Bên cạnh đó, Thống đốc bang Lagos Babajide Sanwo-Olu cho rằng nhiều tài xế xe ôm thường xuyên vi phạm luật giao thông đường bộ, đe dọa an toàn tính mạng của người tham gia giao thông. Đồng thời, xe ôm cũng là một trong những nguồn cơn của tội phạm tại đô thị này.

Trên thực tế, xe ôm là phương tiện di chuyển được ưa chuộng tại Lagos với khả năng luồn lách nhanh chóng qua những điểm tắc nghẽn giao thông trong thành phố.

Ngay ngày đầu tiên triển khai lệnh cấm, chính quyền địa phương đã phải cử cả xe bọc thép và lực lượng an ninh túc trực khắp địa bản thành phố do lo ngại xảy ra các cuộc biểu tình bạo lực, khi lượng lớn thanh niên tại bang Lagos kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm.

Lệnh cấm trên không bao gồm xe máy giao hàng của các công ty khởi nghiệp như Oride, Gokada và Max.

Liberia cấm xe ôm, tai nạn giảm mạnh

Trước đó vào tháng 11/2013, Liberia, một quốc gia ở Tây Phi, đã cấm dịch vụ xe ôm, còn gọi là pehn-pehn, do lo ngại mất an toàn giao thông và tình hình tội phạm tăng cao.

Bộ Y tế Liberia công bố con số bất ngờ: 3 ngày sau lệnh cấm xe ôm, nước này chỉ ghi nhận 1 vụ tai nạn. Trong khi vào tháng 10 trước đó, nước này ghi nhận 1.011 bệnh nhân nhập viện do tai nạn xe máy nói chung.

Lý do hàng loạt quốc gia châu Phi cấm xe ôm- Ảnh 2.

Không chỉ ở Nigeria, Liberia, xe ôm còn bị cấm tại Burundi, một quốc gia nằm sâu trong lục địa châu Phi. (Ảnh: BBC)

Trợ lý Bộ trưởng Y tế Liberia khi đó cho biết lệnh cấm sẽ giúp giảm đáng kể chi phí cho hệ thống y tế nước này, nhưng thừa nhận vẫn đang thu thập dữ liệu trong thời gian dài để đánh giá đầy đủ tác động của lệnh cấm đối với y tế.

Ngoài ra, báo The Guardian dẫn lời Lực lượng Cảnh sát Liberia cho rằng nhiều tài xế pehn-pehn bị tố cáo thực hiện các hành vi phạm tội như cướp giật, hiếp dâm.

Tuy nhiên lệnh cấm gây bất tiện cho người dân sử dụng dịch vụ ở một số thành phố lớn như Monrovia. Đường sá ở đây luôn trong tình trạng tắc nghẽn, do đó một chiếc pehn-pehn sẽ giúp người dân luồn lách qua dòng xe cộ để di chuyển nhanh hơn.

Tương tự vào tháng 8 vừa qua, giới chức Bujumbura, thành phố lớn nhất Burundi, đã cấm xe máy, xe ba bánh lưu thông trong thành phố. Bộ trưởng Nội vụ Burundi lúc bấy giờ cho rằng xe hai bánh, xe ba bánh phải chịu trách nhiệm cho hầu hết vụ tai nạn giao thông.

Báo Africa News cho biết xe ôm chở khách hoặc xe máy chở hàng là nguồn thu nhập duy nhất của lượng lớn thanh niên ở Burundi. Chỉ 1 tuần sau lệnh cấm ở Bujumbura, hàng nghìn tài xế đã trở về quê.

Trong khi đó, quốc gia láng giềng của Burundi là Rwanda cũng cấm xe ôm sử dụng xe máy chạy xăng dầu, chỉ cho phép dùng xe máy điện nhằm tăng cường bảo vệ môi trường nhưng vẫn đảm bảo sinh kế cho người dân.

Thủ đô Addis Ababa của Ethiopia cũng từng cấm hoàn toàn xe máy vào năm 2019 với lý do lo ngại mất an toàn giao thông nhưng sau đó đã nới lỏng lệnh cấm do nhiều người dân sử dụng xe máy để mưu sinh. Đến năm 2022, thành phố cấm sử dụng xe máy để vận chuyển hành khách. Tháng 4/2024, Addis Ababa tiếp tục cấm hoàn toàn xe máy chạy xăng dầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.