Hồ sơ tài liệu

Lý do khiến ca Covid-19 ở châu Âu tăng từng ngày

22/11/2021, 08:59

Đa phần các nước Tây Âu đều có tỉ lệ tiêm phòng cao và dần đưa cuộc sống về bình thường mới nhưng đang chứng kiến làn sóng dịch mới bùng phát.

Vẫn còn rất nhiều người chưa tiêm

Cách đây vài ngày, vì số ca mắc mới tăng quá nhanh, Áo đã trở thành quốc gia đầu tiên tại Tây Âu ban hành quy định bắt buộc người dân phải tiêm phòng.

Đồng thời, từ hôm nay (22/11), nước này phải bước vào giới nghiêm toàn quốc sau một thời gian ngắn áp đặt quy định giãn cách với người chưa tiêm phòng.

Ireland - một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm phòng cao nhất châu Âu (89,1% người từ 12 tuổi trở lên đã tiêm phòng) cũng áp lệnh giới nghiêm trong thời gian nửa đêm đối với dịch vụ quán bar, nhà hàng, hộp đêm vì tình hình dịch căng thẳng.

Tại Bồ Đào Nha, nơi có 87% dân số trên toàn quốc đã tiêm phòng, chính phủ chuẩn bị áp các biện pháp siết chặt phòng dịch mới khi tỉ lệ ca nhiễm mới nhích lên từng ngày.

img

Một nhân viên y tế tại châu Âu thể hiện rõ nét mệt mỏi khi phải đối mặt với làn sóng Covid-19 mới. Ảnh: Reuters

Giải thích về vấn đề trên, các chuyên gia cho biết, lý do thứ nhất là bởi tỉ lệ tiêm phòng hiện nay mới tính trên tổng dân số ít nhất là từ 12 tuổi trở lên, vẫn còn nhiều người chưa tiêm phòng.

Chỉ cần một lượng nhỏ người chưa tiêm chủng, dịch bệnh vẫn có thể lây lan không dứt.

Tại Ireland, nơi có dân số 5 triệu người, vẫn còn khoảng 1 triệu người (bao gồm những người chưa đủ tuổi, mắc bệnh nền… ) chưa tiêm phòng.

Trong đó, những người đã đủ tuổi để tiêm mà chưa thực hiện tiêm chủng chiếm khoảng 10%.

“Vấn đề lúc này nằm ở những người chưa tiêm phòng”, ông Sam McConkey, người đứng đầu Khoa Sức khỏe quốc tế và Y học nhiệt đới thuộc Đại học Y và Khoa học sức khỏe tại Dublin, Ireland nhận định.

Theo ông McConkey, trẻ em chưa tiêm phòng; những người già, người sức khỏe kém, người có hệ miễn dịch yếu dễ bị nhiễm virus đột biến và những người khỏe mạnh nhiễm virus nhưng không có triệu chứng, vẫn âm thầm nhiễm và truyền virus sang người khác.

Sự kết hợp của 4 - 5 yếu tố trên khiến các bệnh viện của Ireland đang gần như chật kín bệnh nhân. Trong đó, khoảng 50% người bệnh phải nằm giường chăm sóc tích cực tại Ireland là những người chưa tiêm phòng.

Vaccine chỉ là “viên đá nhỏ trên chặng đường dài”

Lý do thứ hai, theo giới chuyên gia phương Tây đó là sự lơ là chủ quan của nhiều quốc gia.

Ông Ralf Reintjes, chuyên gia dịch tễ, giám sát y tế cộng đồng thuộc Khoa Khoa học ứng dụng, Đại học Hamburg, Đức cho biết: “Vaccine chỉ là một viên đá trên cả chặng đường dài để ngăn dịch. Riêng vaccine thôi là chưa đủ”.

Ông Charles Bangham, Giáo sư về miễn dịch, đồng Giám đốc Viện nghiên cứu truyền nhiễm thuộc Cao đẳng Hoàng gia London cho biết: “Tuy vaccine là biện pháp phòng dịch rất tốt nhưng khả năng giúp tạo miễn dịch hạn chế bệnh chuyển nặng hay tử vong - vẫn cao. Chúng ta đều biết, biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm rất mạnh. Đồng thời, tại nhiều nước, đã có sự thay đổi trong xã hội và hành vi của người dân, chúng tôi quan sát thấy một số biện pháp phòng dịch đã bị lơi lỏng”.

Hiện nay, các quy định phòng dịch ở mỗi nước là khác nhau, mức độ tuân thủ phòng dịch càng khác nhau hơn.

Tại Tây Ban Nha, nơi có tỉ lệ tiêm phòng khoảng 80% cũng có những biện pháp phòng dịch tương tự Ireland và đã nới lỏng quy định trong xã hội từ nhiều tháng qua.

Song đến nay, Tây Ban Nha vẫn tạm thời bình yên giữa làn sóng dịch mới đang càn quét ở châu Âu.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này, bà Ana M Garcia - Giáo sư về Y tế cộng đồng và Y học dự phòng tại Đại học Valencia cho biết: “Người Tây Ban Nha rất cẩn trọng khi thực hiện các biện pháp phòng dịch, đa phần người dân vẫn đảm bảo giãn cách. Với quy định đeo khẩu trang bắt buộc khi đi ra ngoài, kể cả trên phương tiện công cộng, hầu hết người dân đều tuân thủ”.

Dù tỉ lệ tiêm phòng cao, Tây Ban Nha vẫn chuyển hướng bình thường hóa một cách chậm rãi và cẩn trọng.

Thủ tướng Tây Ban Nha Antonio Costa cũng cảnh báo rằng, nước này sẵn sàng áp đặt lại quy định nghiêm ngặt nếu số ca nhiễm mới tăng cao.

Đức triển khai tiêm phòng quá muộn

img

Một phòng chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân Covid-19 tại Đức

Còn tại Đức, với tình trạng dịch đang bùng phát mạnh, có lúc ghi nhận số ca nhiễm mới tăng kỷ lục 65.000 ca/ngày, câu trả lời là do người dân vừa chủ quan, vừa không coi trọng việc tiêm phòng.

Đức là một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm phòng thấp nhất tại châu Âu.

Bất chấp số ca nhiễm tăng cao từng ngày và giới chức Đức nhấn mạnh tình hình đất nước lúc này vô cùng “tồi tệ” nhưng rất nhiều quán bar, chợ Giáng sinh tại Đức vẫn thu hút rất đông khách.

Các bộ trưởng Đức kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm phòng và đặt ra nhiều rào cản với những người đủ điều kiện mà không tiêm. Song giới chuyên gia cho rằng, lúc này những nỗ lực đó là quá muộn.

“Trong khoảng thời gian ngắn, việc tăng tốc tiêm phòng để đạt tỉ lệ cao, đủ sức ngăn chặn đại dịch là không thể”, Giáo sư Reintjesnói.

Theo ông Reintjes, cách tốt nhất với Đức hiện tại là nên kết hợp cả đẩy mạnh tiêm phòng và các biện pháp phòng dịch, giãn cách xã hội chặt chẽ thì mới có thể tạo được sự khác biệt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.