Quản lý

Lý do khiến các hãng hàng không Việt cần được cứu

27/11/2020, 10:00

Ở tầm vĩ mô, hỗ trợ hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn là việc không thể không làm.

img
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo

Theo các chuyên gia, những biến động của ngành hàng không đều ảnh hưởng tới tất cả các ngành kinh tế khác. Vì thế, ở tầm vĩ mô, hỗ trợ hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn là việc không thể không làm.

Hỗ trợ của Nhà nước có vai trò quan trọng

Phát biểu tại Hội thảo quốc gia “Vượt qua khủng hoảng phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam” do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam và Viện Kinh tế xã hội & Công nghệ tổ chức ngày 26/11, TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải đi sâu vào những giải pháp giúp hàng không phục hồi, phát triển chứ không chỉ bàn giải pháp miễn giảm thuế, phí hay tiếp cận vốn.

“Tôi nghe có thông tin các hãng bay “tị nạnh” về phần hỗ trợ này, kia”, ông Thiên nói và cho rằng trong bối cảnh hiện nay, các hãng nên cùng bắt tay, bàn với nhau có thay đổi cục diện được hay không, sẽ đứng lên thế nào, sống ra sao trong trật tự hàng không mới”, ông Thiên đặt vấn đề.

Đề cập đến việc tiếp cận các nguồn vốn vay, theo ông Thiên, các hãng hàng không cần chứng minh với ngân hàng rằng hàng không là mũi nhọn về kinh tế hứng chịu thiệt hại nhiều nhất nhưng lúc đứng dậy cũng phải là đầu tiên.

“Các hãng hàng không Việt cần được cứu và Nhà nước phải có trách nhiệm như hỗ trợ cấp vốn, lãi suất. Chính phủ tài trợ hàng không chính là tài trợ cho tương lai”, ông Thiên nêu quan điểm.

Đồng tình, PGS. TS. Nguyễn Văn Phúc, Viện Kinh tế xã hội và Công nghệ phân tích, nhìn vào chuỗi cung ứng của ngành hàng không, có thể thấy những biến động của ngành đều ảnh hưởng tới tất cả các ngành kinh tế khác.

“Giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng hàng không có mối quan hệ khá rõ và chặt. Trên phạm vi toàn cầu, từ 2003 - 2018, GDP tăng 1% thì ngành hàng không tăng trưởng từ 1,28 - 2,03%. Tại Việt Nam, trong 20 năm qua, GDP Việt Nam cứ tăng trưởng 1% thì ngành hàng không sẽ tăng khoảng 1 - 1,5%”, ông Phúc thông tin.

Để ngành hàng không Việt Nam sớm phục hồi và phát triển, ông Phúc cho rằng, cần triển khai một chương trình tổng hợp với sự tham gia của cộng đồng, của Nhà nước và chính doanh nghiệp hàng không.

“Sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam trước tiên phục thuộc vào nỗ lực của chính các doanh nghiệp trong ngành. Nhà nước sẽ có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ”, ông Phúc nói và nhấn mạnh, việc hỗ trợ phải được thực hiện càng sớm càng tốt.

Hãng hàng không tiếp tục kêu thua lỗ

img
Theo dự báo, năm nay Vietnam Airlines sẽ lỗ khoảng 14.000- 15.000 tỷ đồng

Tiết lộ con số lợi nhuận âm 2.400 tỷ đồng trong 9 tháng qua và số nợ là 10.000 tỷ đồng dù đã bán hay chuyển nhượng tài sản đã tích lũy trong nhiều năm, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet kiến nghị Nhà nước nên có cơ chế cho các hãng bay vay 3-5 năm để vượt qua giai đoạn hiện nay. Khi phục hồi, các hãng sẽ trả lãi vay ưu đãi và vốn vay.

“Hãng bay các nước đều được Chính phủ hỗ trợ để có tiềm lực cân bằng cạnh tranh giữa các hãng bay trong nước và quốc tế,” bà Phương nói.

Ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines cho hay, dự báo thiệt hại hàng không Việt Nam là 4 tỷ USD trong năm nay. Riêng, Vietnam Airlines doanh thu giảm hơn nữa, số lỗ năm nay dự kiến khoảng 14.000 - 15.000 tỷ đồng.

Thị trường nội địa tuy có phục hồi nhưng sức mua yếu, giá vé lại giảm mạnh, trong khi thị trường quốc tế đóng băng. Chưa hết, việc dư thừa tải cung ứng trên thị trường nội địa dẫn đến cạnh tranh giảm giá vé tiêu cực giữa các hãng nhằm thu hút khách khiến hiệu quả khai thác vô cùng thấp, thu không đủ bù chi.

Từ đây, đại diện các hãng bay kiến nghị giảm 50% phí cất/ hạ cánh, giá dịch vụ bay; giảm thuế môi trường; mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế ở một số nước đã kiểm soát dịch tốt; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cho vay lãi suất 0% để trả lương cán bộ, công nhân viên...

Kịch bản phục hồi hình chữ V

Đánh giá dịch Covid-19 gây rối loạn hoạt động kinh tế, ảnh hưởng đời sống xã hội, làm tê liệt ngành hàng không Việt Nam và thế giới, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, tại nước ta, các hoạt động vận tải hàng không đã phải hy sinh quyền lợi chính đáng để phục vụ chủ trương giãn cách xã hội, khoanh vùng dập dịch, dừng vận chuyển hành khách...

Theo Thứ trưởng, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khi những khó khăn, thách thức to lớn do đại dịch chưa biết bao giờ kết thúc, kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Phía Cục Hàng không VN, Phó cục trưởng Phạm Văn Hảo cho biết, theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), ngành hàng không thế giới đã và sẽ đối diện với 2 kịch bản, trong đó kịch bản 1 là mô hình theo chữ V, sụt giảm theo đáy và phát triển nhanh trở lại. Kịch bản 2 mô hình chữ U, quy luật sẽ giảm xuống đáy và kéo dài từ 3-5 tháng đi kèm suy giảm kinh tế, dự báo thị trường hàng không sụt giảm 48-71% tùy theo diễn biến dịch bệnh.

Nhận định hàng không Việt Nam đang từng bước phục hồi theo chữ V, ông Hảo thông tin thêm, Cục Hàng không VN đang phối hợp với các hãng nghiên cứu trình Chính phủ mở lại chuyến bay quốc tế đến Việt Nam với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh.

Tuy nhiên, sẽ không có chuyện mở cửa ồ ạt. “Dự kiến, thị trường hàng không mất tới 3 năm mới phục hồi đạt như năm 2019,” ông Hảo thông tin thêm.

Tháng 5/2020, 41 quốc gia thuộc Tổ chức Đảm bảo an ninh hàng không châu Âu đã quyết định hỗ trợ hãng hàng không các nước thuộc khối này số tiền 1,1 tỷ euro để họ có thể đảm bảo tính thanh khoản.

Theo số liệu của Tổ chức Hàng không thế giới - IATA, những hãng hàng không chịu tác động lớn bởi Covid-19 đã được các quốc gia hỗ trợ tới 112 tỷ euro. Có những hãng được hỗ trợ mức “khủng” khi giá trị gói cứu trợ lên tới 41% doanh thu 2019 (Hà Lan), 36% (Pháp), 33% (Mỹ), 22% (Nhật Bản).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.