Quân sự

Lý do Lầu Năm Góc công bố báo cáo về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc?

03/09/2020, 16:00

Dư luận TQ cho rằng, thông qua báo cáo, Lầu Năm Góc muốn nhấn mạnh dù Mỹ có khiêu khích Trung Quốc như thế nào, người Mỹ cũng không cần lo lắng.

img
Quân đội Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm thứ Ba đã công bố “Báo cáo năm 2020 về Sự phát triển quân sự và An ninh liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

So với đánh giá tương tự trong những năm qua, báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ năm nay cho biết Trung Quốc hiện có kho dự trữ đầu đạn hạt nhân ở mức 200 đơn vị và dự đoán con số này sẽ tăng ít nhất gấp đôi trong thập kỷ tới. Điều này đã thu hút sự chú ý của quốc tế về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Trung Quốc chưa bao giờ công khai số lượng đầu đạn hạt nhân của mình, điều này, theo lý luận của Bắc Kinh là “phù hợp với chính sách hạt nhân tầm thấp của Trung Quốc”.

Dư luận trên một số tờ báo chính thống của Trung Quốc cho rằng, "Trung Quốc là cường quốc hạt nhân duy nhất trên thế giới từng hứa hẹn “sẽ không trở thành nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân, và không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các nước phi hạt nhân.

Thế giới bên ngoài đã đồn đoán về quy mô kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, nhưng điều này chủ yếu được thực hiện bởi các tổ chức phi chính phủ, chẳng hạn như các diễn đàn, thảo luận”.

Kể từ những năm 1980, nhiều tổ chức tư vấn đã tin rằng Trung Quốc có hơn 200 đầu đạn hạt nhân. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm và Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ trong những năm gần đây đã đưa số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc là 320, đã được nhiều người trích dẫn. Nhưng Trung Quốc chưa bao giờ xác nhận những số liệu này.

img
Tên lửa Đông Phong 31A.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố 20 báo cáo như vậy, nhưng đây là lần đầu tiên họ đưa ra đánh giá về số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc. Theo dư luận báo chí Trung Quốc, “Lầu Năm Góc cố tình làm ảnh hưởng đến hiểu biết của người dân về quy mô kho vũ khí hạt nhân của nước này”.

“Chúng tôi tin rằng số lượng 200 đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn trong nhận thức của mọi người nhưng Trung Quốc ít nhất sẽ tăng gấp đôi số lượng đầu đạn hạt nhân trong thập kỷ tới” – báo cáo của quân đội Mỹ nêu đánh giá.

Về những đánh giá của quân đội Mỹ, một bài xã luận xuất hiện trên tờ Thời Báo Hoàn Cầu (TBHC) của Trung Quốc, được xuất bản hôm 2/9 cho rằng, nội dung báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc là một sự đánh giá thấp có chủ ý, thông qua đó muốn gửi đi một thông điệp tới Mỹ và thế giới rằng Trung Quốc đang đẩy nhanh việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình.

Ngoài ra, TBHC phân tích rằng Lầu Năm Góc có hai mục đích. Một là làm suy yếu khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc, đặc biệt là vai trò của khả năng hạt nhân của Trung Quốc trong việc định hình thái độ của xã hội Mỹ đối với Trung Quốc.

Mỹ đang tiến hành một cuộc trấn áp chiến lược mạnh mẽ nhằm vào Trung Quốc, gây ra căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Quân đội Mỹ hy vọng sẽ giảm bớt những lo lắng mà điều này đã gây ra cho xã hội Mỹ, nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ có lợi thế chiến lược áp đảo so với Trung Quốc. Vì vậy, dù quân đội Mỹ có khiêu khích Trung Quốc như thế nào, người Mỹ cũng không cần phải lo lắng.

Mục tiêu thứ hai (theo TBHC), là tạo điều kiện cho cộng đồng quốc tế hiểu cơ bản về sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc ở mức thấp hơn 200, để họ có thể sử dụng con số này làm cơ sở để gây áp lực giải trừ hạt nhân của Trung Quốc với Mỹ và Nga, đồng thời siết chặt khả năng tăng cường sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc.

img
Tên lửa Đông Phong 41.

Tờ báo của Trung Quốc cho rằng “Washington đang ép Bắc Kinh tham gia đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân khi giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn còn khoảng cách lớn, để Mỹ luôn duy trì lợi thế quân sự áp đảo trước Trung Quốc, đồng thời trấn áp ý chí của Trung Quốc ở những thời điểm quan trọng”.

TBHC lập luận rằng “Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân chỉ để tự vệ, vì vậy Trung Quốc sẽ không theo đuổi quy mô kho vũ khí hạt nhân như Mỹ. Nhưng khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc phải mạnh mẽ và hiệu quả. Khi Mỹ gia tăng áp lực quân sự đối với Trung Quốc, năng lượng hạt nhân của Trung Quốc phải nâng cấp để tạo ra hàng rào trước sức ép của Mỹ”.

“Kể từ khi Trump nhậm chức, ông ta vẫn chưa yên tâm ngay cả khi Mỹ đã sở hữu một trong những kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, và tăng cường tài trợ các nguồn lực để nâng cấp sức mạnh hạt nhân của Mỹ. Người Trung Quốc buộc phải tin rằng Mỹ cũng đang nhắm mục tiêu vào Trung Quốc với động cơ như vậy, vì Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu của họ”. – TBHC viết.

Theo TBHC, “Trung Quốc nên duy trì sự phát triển và tăng trưởng sức mạnh hạt nhân của mình, đồng thời đảm bảo rằng khả năng răn đe hạt nhân của nước này đủ mạnh để đối phó với áp lực và thách thức chiến lược mà nước này phải đối mặt”.

img
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong 41 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của quân đội Trung Quốc - ảnh minh họa.

“Đây là một trong những vấn đề then chốt để đảm bảo an ninh quốc gia của Trung Quốc. Mỹ tuyên bố Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi số đầu đạn hạt nhân trong thập kỷ tới.

Không nghi ngờ gì về việc Trung Quốc có khả năng làm như vậy, nhưng liệu Trung Quốc có làm như vậy hay không phụ thuộc vào mức độ đe dọa của Mỹ đối với an ninh của Trung Quốc. Nói cách khác, việc Trung Quốc tăng cường khả năng hạt nhân của mình phụ thuộc vào mức độ cấp thiết.

Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về sự phát triển quân sự của Trung Quốc luôn đề cao cụm từ “mối đe dọa quân sự của Trung Quốc. Lần này cũng không ngoại lệ. Nhưng vụ mới nhất có ý định triệt tiêu khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc.

Người ta tin rằng các nhà hoạch định chính sách hạt nhân của Trung Quốc có thể nhìn thấu nó. Làm thế nào để phát triển vũ khí hạt nhân là chương trình nghị sự của Trung Quốc. Người Trung Quốc yêu hòa bình, và biết rõ rằng hòa bình không phải là thứ để cầu xin. Washington không thể sử dụng cuộc chiến dư luận của mình để tác động đến chính sách hạt nhân của Trung Quốc”. – Thời báo Hoàn Cầu kết luận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.