Đường bộ

Lý do người dân đồng thuận giao đất cho cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng?

24/04/2023, 19:15

Vì sao hầu hết người dân ở Sóc Trăng có đất bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đều đồng thuận bàn giao mặt bằng?

Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 thuộc dự án trọng điểm quốc gia. Khi dự án hoàn thành sẽ mở ra tuyến kết nối liên vùng, rút ngắn thời gian di chuyển, góp phần giảm chi phí vận chuyển hàng hóa của các tỉnh khu vực ĐBSCL.

Người dân đồng thuận “ngóng” cao tốc

Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đã chuẩn bị sẵn sàng để khởi công dự án, sớm đưa cao tốc vào sử dụng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân trong tỉnh.

img

Người dân có diện tích đất bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng ký nhận tiền bồi thường (Ảnh: H.L)

Điều đáng ghi nhận, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhất là công tác kiểm đếm giải phóng mặt bằng (GPMB) hầu hết người dân đều đồng thuận chủ trương cao, tự nguyện bàn giao mặt bằng sạch để đơn vị thi công sớm triển khai thực hiện dự án.

Có nhà bị ảnh hưởng bởi dự án, ông Lâm Văn Lời (ngụ ấp Bắc Dần, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú) chia sẻ: “Căn nhà 600m2 của tôi thuộc diện giải tỏa trắng vì nằm dưới cầu vượt cao tốc.

Khi được vận động bàn giao mặt bằng, gia đình tôi đồng thuận ngay và cam kết sẽ tự nguyện tháo dỡ. Vì có cao tốc, nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên, người dân địa phương không còn phải xa quê”.

Ông Thạch Khâm (ngụ ấp Phnô Cam Bốth, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên) chia sẻ, không chỉ riêng ông mà nhiều người dân ở Sóc Trăng cũng mong chờ cao tốc về với tỉnh nhà.

“Mình muốn kinh tế của tỉnh phát triển, dân giàu mạnh thì hạ tầng giao thông phải đi trước và dự án cao tốc sẽ mở ra cơ hội, nền tảng để huyện Mỹ Xuyên và cả tỉnh Sóc Trăng phát triển trong tương lai gần.

Gia đình tôi cũng có một phần đất phải giải tỏa phục vụ dự án, tôi vui lắm, vui vì được chung tay đóng góp một phần đất cho dự án để hiện thực hóa ước mơ quê hương có đường cao tốc”, ông Khâm phấn khởi.

Là hộ dân tích cực không chỉ tình nguyện giao đất cho Nhà nước để thực hiện dự án cao tốc mà ông Trần Hữu Phước (ngụ ấp Tâm Thọ, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) còn tích cực trong việc tuyên truyền, vận động bà con trong ấp đồng thuận chủ trương.

“Hạ tầng giao thông phát triển mới kéo theo nhiều tiện ích khác phát triển theo, đường sá thuận lợi, giao thương kết nối, hình thành khu, cụm công nghiệp và dịch vụ.

Từ đó, thu hút, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, không còn phải tha phương cầu thực”, ông Phước chia sẻ thêm.

img

Huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng họp dân triển khai thông báo thu hồi đất (Ảnh: H.L)

Theo ông Bành Đức Quang, Phó chủ tịch UBND xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú), nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên 104 hộ dân thuộc 2 ấp Bắc Dần và Đai Úi của xã Phú Mỹ đều đồng thuận và ủng hộ dự án cao tốc.

“Phần lớn hộ ảnh hưởng là đồng bào Khmer, nhiều hộ đời sống còn nhiều khó khăn nhưng bà con thấu hiểu và chia sẻ trách nhiệm với mong muốn dự án cao tốc sớm được xây dựng, hoàn thành để kinh tế - xã hội địa phương phát triển, đời sống người dân cải thiện, nâng cao”, ông Quang chia sẻ thêm.

Người dân sẽ được lợi gì?

Theo ông Đặng Văn Phương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, dự án cao tốc được đầu tư xây dựng giúp địa phương mở ra cơ hội phát triển về công nghiệp.

Theo đó, huyện Mỹ Xuyên là một trong những địa phương được tỉnh quy hoạch Khu Công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Mỹ có tổng diện tích 1.300ha được kết nối với nút giao thông tại đường dẫn nằm trên địa bàn TP Sóc Trăng và huyện Mỹ Xuyên.

img

Dự kiến hướng tuyến của dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Ngoài các khu dành cho phát triển đô thị, dịch vụ còn có khu công nghiệp dành quỹ đất xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô rộng khoảng 700ha và hiện đã có nhà đầu tư quan tâm đến tìm hiểu.

“Nhà máy được đầu tư xây dựng không chỉ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trong huyện mà còn giúp địa phương phát triển các dịch vụ đi kèm, tạo động lực giúp các địa phương phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai”, ông Phương chia sẻ thêm.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư), tính đến cuối tháng 3/2023, chủ đầu tư đã hoàn thành kế hoạch lựa chọn nhà thầu; đánh giá tác động môi trường; công tác rà phá bom mìn; bồi thường hỗ trợ và tái định cư…

Chủ đầu tư đang tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn kiểm toán khảo sát địa hình, địa chất và tiếp tục lập thiết kế kỹ thuật. Riêng công tác GPMB, chủ đầu tư đã triển khai nhiều phần việc đạt tiến độ như: Đo đạc, kiểm đếm; bồi thường và hỗ trợ tái định cư…

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 được kết nối với dự án Cảng biển nước sâu Trần Đề, giúp Sóc Trăng thuận lợi hơn trong kêu gọi đầu tư vào cảng. Đồng thời, mở ra cơ hội “có một không hai” để Sóc Trăng bứt phá, bởi hạ tầng giao thông phát triển.

Ngoài giá đền bù hợp lý để dân đồng thuận, các cơ quan chức năng có phương án bố trí tái định cư khá chi tiết. Các hộ bị ảnh hưởng di dời, tái định cư sẽ theo hình thức tự tái định cư (bồi thường bằng tiền) và tái định cư tập trung (bồi thường bằng đất ở).

Trong đó, đối với hình thức tái định cư tập trung, các khu tái định cư sẽ được xây dựng trên địa bàn các huyện, để dân không thay đổi nhiều về môi trường sống.

Chủ đầu tư đang khẩn trương phối hợp cùng các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương xét những trường hợp đủ điều kiện để được bố trí tái định cư phù hợp.

Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án 2 sẽ phối hợp với Sở TN&MT, các địa phương và Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh để phê duyệt phương án GPMB, áp giá và chi trả bồi thường.

Cũng theo chủ đầu tư, phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng sạch của các gói thầu xây lắp, khởi công trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

Đến nay, các địa phương đã kiểm đếm lập hồ sơ được 1.795/1.795 hộ gia đình, với tổng diện tích đất dự kiến thu hồi là 330,96ha.

Số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng từ dự án khoảng 2.798 hộ, trong đó, số hộ bị ảnh hưởng phải di dời và có nhu cầu tái định cư khoảng 293 hộ.

Dự kiến, dự án khởi công trước ngày 30/6/2023, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027.

Dự án thành phần 4 thuộc dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư, qua địa phận 2 tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 11.961 tỷ đồng (trong đó, dự kiến tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 1.765 tỷ đồng).

Quy mô đầu tư giai đoạn 1, gồm: 4 làn xe (theo phân kỳ đầu tư), bề rộng nền đường 17m; tổng chiều dài tuyến 58,37km; vận tốc thiết kế 100km/h.

Tại Sóc Trăng, dự án đi qua địa bàn TP Sóc Trăng, các huyện Mỹ Tú, Trần Đề và Mỹ Xuyên, với tổng chiều dài gần 58,4km.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.