Hồ sơ tài liệu

Lý do nhân sự Tòa án Tối cao thành điểm nóng chính trị ở Mỹ?

30/09/2020, 08:04

Chính trường Washington lúc này không chỉ “nóng” về vấn đề nhân sự cho vị trí lãnh đạo Nhà Trắng mà còn ở cơ quan khác, đó là Tòa án Tối cao.

img
Bà Amy Coney Barrett, ứng viên được ông Donald Trump lựa chọn vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao

Ngày bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến rất gần, chính trường Washington lúc này không chỉ “nóng” về vấn đề nhân sự cho vị trí lãnh đạo Nhà Trắng mà còn ở cơ quan khác, đó là Tòa án Tối cao.

Tầm ảnh hưởng của tòa Tối cao với chính trị Mỹ

Hiện tại, Đảng Cộng hòa Mỹ đang gấp rút đẩy nhanh hoàn thiện nhân sự còn khuyết tại Toà án Tối cao sau khi cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời vì ung thư.

Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhanh chóng đề xuất bà Amy Coney Barrett (48 tuổi) thế vào vị trí thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang. Thế nhưng, đảng Dân chủ lại muốn tạm hoãn việc bổ nhiệm, chờ đến khi Mỹ có Tổng thống mới.

Theo quan điểm của phe Dân chủ, quy trình thẩm tra, xét duyệt về năng lực và tư cách ứng viên kéo dài trong 60 ngày rồi mới chuyển lên Thượng viện Mỹ phê chuẩn, tức là lúc đó đã qua thời điểm bầu cử.

Nhưng khả năng cao ứng viên do ông Trump chọn vẫn được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua, do đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế. Một khi được bổ nhiệm, bà Barrett sẽ đảm nhiệm vị trí thẩm phán trọn đời, trừ khi bị phế truất vì những vi phạm nghiêm trọng. Từ đó, phe bảo thủ sẽ tăng cường vị thế trong cơ quan xét xử cấp cao nhất, với tỷ lệ 6 - 3.

“Một Tòa án Tối cao nghiêng về phía bảo thủ kết hợp với kịch bản ông Donald Trump thắng cử, tạo ra lợi thế rất lớn cho đảng Cộng hòa. Khi ấy sẽ chẳng có đề xuất nào (của chính quyền Trump) bị gạt bỏ”, lãnh đạo khối thiểu số tại Thượng viện Mỹ, ông Chuck Schumer e ngại.

Theo cơ chế cân bằng quyền lực của Mỹ, Tòa án Tối cao và Quốc hội Mỹ tưởng chừng không liên quan lại có mối liên hệ và chịu sự ảnh hưởng, chi phối, kiềm chế lẫn nhau. Điển hình, Tòa án Tối cao có thể gây ảnh hưởng đến việc ban hành hướng dẫn thực hiện các đạo luật đã được Quốc hội thông qua.

Hơn nữa, cơ quan này có quyền đưa ra phán quyết, quyết định hoặc thiết lập chính sách làm thu hẹp, kiểm soát, hạn chế và gây bất lợi với thẩm quyền, hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt, họ còn có thể ra phán quyết khẳng định luật đã được Quốc hội thông qua là trái với Hiến pháp (vi hiến) và không thể thi hành.

Ý đồ của Đảng Dân chủ

Lo sợ viễn cảnh đó, đảng Dân chủ muốn trì hoãn việc bổ sung nhân sự Tòa án Tối cao qua bầu cử Tổng thống. Nếu ứng viên đại diện đảng là Joe Biden chiến thắng và đảng Dân chủ giành đa số trong Thượng viện, họ sẽ cải tổ toà án (court-packing), tăng số lượng Thẩm phán so với 9 người như hiện nay.

“Chúng tôi sẽ cân nhắc tất cả các lựa chọn cải tổ trong đó có thay đổi số lượng Thẩm phán của Tòa án Tối cao”, Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez thuộc đảng Dân Chủ chia sẻ hồi tuần trước. Thậm chí, theo tờ Washington Post ngay từ vòng bỏ phiếu sơ bộ chọn ra ứng viên Tổng thống đại điện đảng, phía cánh tả đã chọn việc cải tổ tòa án làm chủ đề để tranh luận.

Với ông Biden, vị ứng viên Tổng thống từng kiên quyết bác bỏ yêu cầu cải tổ nhưng nay lại không trực tiếp trả lời rõ ràng khi được hỏi có ủng hộ hay không.

Ý tưởng cải tổ tòa án được nhắc tới ở trên sẽ tạo cơ hội đẩy cơ quan xét xử cao nhất của Mỹ nghiêng về phía cánh tả khi ông Biden thắng cử và đảng Dân chủ vận động đủ sự ủng hộ liên bang để thông qua thành luật.

Cũng giống như các cử tri ôn hòa, nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ ở các bang hay dao động (swing state) sẽ chần chừ ra quyết định trước một chương trình nghị sự cấp tiến có thể làm thay đổi quy mô ý thức hệ nền tảng của chính trị Mỹ như vậy. Chưa kể, trong tình hình hiện nay, Mỹ đang vật vã đối phó với dịch Covid-19 và nền kinh tế suy sụp nên dù có thắng cử, ý tưởng này có lẽ không phải là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Biden.

Hiện tại, Hiến pháp Mỹ không quy định cụ thể cơ quan này phải có bao nhiêu thẩm phán. Quốc hội Mỹ từng nhiều lần thay đổi quy mô Tòa án từ 6 lên đến 10 Thẩm phán. Con số 9 thành viên được duy trì suốt hơn 1 thế kỷ qua bất chấp có nhiều đời Tổng thống Mỹ muốn thay đổi như ông Franklin D. Roosevelt với kế hoạch tăng tới 15 Thẩm phán.

Tuy ý tưởng này đang được nhiều thành viên đảng Dân chủ ủng hộ nhưng rất khó để phe cánh tả có thể vận động đủ số phiếu quá bán, đồng ý với kế hoạch cải tổ toà án (court-packing).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.