Chiều 3/10, tại họp báo cung cấp tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, ông Phạm Tuấn Anh, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đưa ra những nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân đầu tư công của TP.HCM thấp.
Theo ông Tuấn Anh, trong 9 tháng năm 2024, TP.HCM giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt gần 20% kế hoạch vốn được giao.
Cụ thể, TP.HCM được giao 249.000 tỷ đồng đầu tư công trung hạn 2021-2025, trong đó 49% vốn được giao giữa kỳ. Thông thường, việc giao vốn phải giao ngay đầu kỳ, tuy nhiên, khi TP.HCM thực hiện nghị quyết 98, TP được bổ sung thêm 107.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Những dự án dùng số vốn này phần lớn đang quá trình triển khai thủ tục, chưa đến thời điểm giải ngân số tiền lớn.
Ngoài ra, khi Luật đất đai có hiệu lực cũng làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án. Trong 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024 của TP.HCM, có 33.000 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng.
Ông Tuấn Anh nói thêm, ngay từ đầu năm 2024, TP.HCM đã lập các thủ tục để giải ngân công tác giải phóng mặt bằng trong quý III. Nhưng khi Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/8, thành phố này phải dừng lại để điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án do tăng chi phí giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, các vướng mắc về mặt thủ tục, pháp lý; dự án phải dừng để điều chỉnh quy hoạch; quy định mới về đấu thầu... cũng là nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM chậm.
Một số dự án có liên quan đến thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý của chủ đầu tư cũng như quy trình thủ tục để thực hiện, tác động đến tiến độ giải ngân.
Vấn đề thiếu vật liệu, cát san lấp các dự án trong thời gian dài cũng làm ảnh hưởng nhất định đến giải ngân.
Về nguyên nhân chủ quan, theo ông Anh, chủ yếu do một số sở ngành có khó khăn, chậm trễ nhất định trong phối hợp giải quyết thủ tục các dự án.
"Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã tham mưu UBND TP.HCM triển khai loạt biện pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, xác định cụ thể những khó khăn, vướng mắc tiến độ từng dự án, từng đơn vị", ông Anh nói.
Được biết, lãnh đạo UBND TP.HCM cũng quán triệt lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo thực hiện nghiêm tiến độ từng dự án. Cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn 30% thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục, xử lý xử lý kịp thời vấn đề phát sinh từng dự án.
Trước đó, tại phiên họp kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm do UBND TP.HCM tổ chức chiều 1/10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, năm trước, thành phố đã kiểm điểm và cam kết về đảm bảo tiến độ đầu tư công.
Do đó, năm nay các chủ đầu tư, lãnh đạo các sở ngành cần quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Quá trình thực hiện, nếu có vấn đề khó khăn, đơn vị liên quan cần báo cáo Chủ tịch, hoặc Phó chủ tịch UBND TP.HCM; nếu không được, có thể báo cáo Bí thư Thành ủy bất kể ngày đêm.
Trong quý IV/2024, ông Nên đề nghị hệ thống chính quyền TP.HCM tiếp tục bám sát những phương hướng, nhiệm vụ tăng trưởng đã đề ra. Đồng thời, chỉ ra những mặt còn hạn chế để nhận diện, đưa giải pháp khắc phục cụ thể cho từng ngành, từng cấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận