Khám phá

Ly kỳ đua chó Phú Quốc

14/02/2018, 07:18

Sau thời gian tổ chức nuôi dưỡng, huấn luyện, ông Lê Quốc Tuấn - đã tổ chức đua địa hình chó Phú Quốc...

22

Các chú chó vào chặng đua tốc độ

Sau thời gian tổ chức nuôi dưỡng, huấn luyện, ông Lê Quốc Tuấn - đã tổ chức đua địa hình chó Phú Quốc ngay tại Khu Bảo tồn chó xoáy Phú Quốc Thanh Nga (Tiểu khu 77, ấp Suối Mây, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) giúp nhiều người cảm nhận được cái hay, cái quý ở giống chó xoáy Phú Quốc để chung tay bảo tồn loài chó từng có tên trong từ điển Larousse mà ông đã theo đuổi gần 20 năm nay.

Hào hứng đến phút cuối

“Một, hai, ba. Xuất phát”. Sau giọng hô lớn của anh Chung - MC trường đua- cánh cổng sắt hạ xuống, cả 4 VĐV chó phóng xuống đất rồi lao như tên bắn về phía trước. Sau hiệu lệnh xuất phát, Ni Nu - con cái duy nhất trong đội hình đua “tứ cẩu” -xuất phát ở vị trí thứ 4 lại vượt mặt 3 anh chàng dữ dằn cả ngoại hình lẫn tên gọi là Cọp, Gấu và Báo. Tuy nhiên, đến đoạn cua đầu tiên, Cọp với cơ bắp cuồn cuộn đã dễ dàng “lái” thân hình theo vòng cua rồi bứt tốc băng lên dẫn đầu. Gấu cũng không phải tay vừa, khi đoàn đua tới địa hình “Chạy qua ghềnh đá”, lợi dụng đôi chân vững chãi, Gấu vững vàng lướt qua, rồi băng băng dẫn đầu. Nhưng đến địa hình “Bới đất tìm đường”, Báo lại vượt lên. Tận dụng lợi thế thân hình thon, gọn, Báo nhẹ nhàng cúi người xuống sát đất, rồi nhanh chóng chui mình qua khe hẹp duy nhất trên địa hình. Cứ thế 4 VĐV rượt đuổi nhau trên suốt các địa hình: Vượt lên độ cao, lách qua dốc cây ngã, xuyên rừng cổ thụ, lội qua suối... mang đến cho khán giả những trận cười thật sảng khoái và những tràng pháo tay cổ vũ thật nhiệt tình. Nhất là đoạn VĐV Cọp “hùng hổ” lấn trái phép Ni Nu và bị trọng tài Hùng rút thẻ vàng “cảnh cáo” cho hành động thiếu “fairplay”, càng khiến cho khán giả thêm phần thú vị về sân chơi tràn ngập sự tự nhiên, thân thiện, nhưng không kém phần nghiêm khắc.

Tuy nhiên, đỉnh điểm của sự phấn khích và hào hứng chỉ đến khi đoàn đua bước vào địa hình “Lội qua sông”, chặng cuối cùng trên đường đua. Sau thoáng chần chừ trước hố nước sâu, dài 12m, trọng tài Hùng thúc còi, cả 4 VĐV lao xuống nước tạo ra những tia nước, không, đúng hơn là những chùm hoa nước lộng lẫy. Sau bao ngày được nghe kể, được đọc tài liệu về loài chó chân có màng, lần đầu tiên tôi “mục sở thị” tài bơi lội của chó Phú Quốc. Tận dụng lợi thế nhanh, lẹ, Báo lao mạnh xuống nên nhanh chóng dẫn đầu, nhưng đến nửa chặng đua, với sức bền sẵn có, Gấu và Cọp đã vượt lên... để lại Ni Nu phía sau. Trong lúc mọi người cứ ngỡ cả 3 “anh hào” sẽ thay nhau chia 3 thứ hạng cao nhất cuộc đua khi đích đến cận kề. Nhưng không, Ni Nu đã tạo ra cuộc lật đổ ngoạn mục vào phút 89. Có lẽ do mải mê tranh nhau từng xăng-ti-mét đường đua nên cả chàng VĐV dẫn đầu đã để nước vào lỗ tai. Vì vậy, khi vừa chạm chân đến đoạn dốc dẫn tới đích đến, cả 3 dừng lại làm động tác hất nước từ lỗ tai ra. Chớp lấy cơ hội, Ni Nu thẳng tiến và chạm đích trước trong tích tắc.

Nỗ lực truyền lửa đam mê

Chỉ mới xuất hiện, nhưng đua chó địa hình đã thu hút khá nhiều khách trong và ngoài nước. Điều này mang lại thu nhập khá đều đặn, nhưng với ông Tuấn chuyện “có đồng ra, đồng vô” không để làm giàu, mà là có thêm cơ hội thực hiện ước mơ bảo tồn chó Phú Quốc.

Chuyện bắt đầu vào năm 2000. Giữa lúc “cơm no, áo đẹp” với 5ha tôm sú mà vợ chồng cố gắng suốt nhiều năm trời có được, bất ngờ ông Tuấn bán đất rồi lấy tiền “rong” ra Phú Quốc tìm mua đất... bảo tồn chó xoáy. “Sinh ra ở rừng U Minh, tuổi thơ của tôi gắn liền với những chú chó. Vì vậy lớn lên, ra Rạch Giá làm việc, có điều kiện nghe, thấy chó Phú Quốc tinh khôn, tôi đã bị loài chó xoáy lưng này “bỏ bùa”, ông Tuấn nhớ lại...

Chó Phú Quốc là một loại chó đặc hữu của đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Loài chó này lưỡi có đốm đen, chân có màng nên có khả năng săn mồi tốt, bơi lội, leo trèo rất giỏi và nhất là có xoáy lông ở trên sống lưng. Đây là một trong ba dòng chó có xoáy lông trên lưng trên phạm vi toàn cầu. Chó Phú Quốc được đưa vào từ điển Larousse (tiếng Pháp) bởi đặc tính khôn ngoan vượt trội và ngoại hình cân đối và đẹp.

Vốn mỏng, ông Tuấn năn nỉ vợ cầm cố thêm căn nhà đang ở mới đủ tiền mua vạt đất hoang vắng ở ấp Cây Thông Ngoài (xã Cửa Dương) rồi lao vào gây dựng bằng cách đích thân lên Bắc đảo Phú Quốc - nơi còn lưu giữ được nhiều chó thuần chủng để săn chó giống. Sau 6 tháng, ông tạo được đàn chó Phú Quốc “chính hiệu” với 120 con. Nhưng rồi 110 con đã lần lượt “ra đi” vì bệnh bất chấp ông chạy vạy khắp nơi tìm thầy điều trị. Thất bại, nhưng đam mê không cho phép ông Tuấn bỏ cuộc. Sau nhiều chiêm nghiệm, ông chọn giải pháp sưu tầm “bí kíp” từ nhiều người chuyên nuôi chó Phú Quốc đi săn, rồi tổ chức trồng 70 loại cây cỏ ngay trong trại như cỏ mực, cỏ xước, cỏ mầm trầu, xả... cho chó tự trị bệnh bằng cây thuốc Nam như trước đó chúng tự thực hiện trong môi trường nuôi thả rông.

Chuyện người “ngoại đạo” chinh phục thành công “công nghệ” nuôi dưỡng chó Phú Quốc đã đưa tên tuổi ông Tuấn vượt khỏi giới hạn của Đảo Ngọc. Nhưng cái cách ông “bảo tồn” càng khiến nhiều người trong và ngoài nước khâm phục hơn. Không chỉ linh động đăng ký độc quyền về thương hiệu, biểu tượng chó xoáy Phú Quốc, mới đây khi được tỉnh cho thuê 5ha rừng để mở rộng bảo tồn chó, anh đã tìm cách mở rộng ngọn lửa đam mê chó Phú Quốc cho cộng đồng cùng tham gia như mình, thông qua việc tổ chức đua địa hình.

“Với việc bố trí 12 địa hình đặc thù của đất đảo: Chạy nhanh trên cát, khéo léo chui qua hang, mạnh mẽ vượt chướng ngại vật, can đảm lội qua dòng nước sâu... tôi muốn cho mọi người đến đây được mục sở thị những tính năng vượt trội của loài chó xoáy để qua đó biết quý trọng, yêu thương hơn”, ông Tuấn chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.