Dẫn giải bị cáo về trại giam sau phiên xử |
Vụ tai nạn hàng hải xảy ra cách đây 5 năm, hai bị cáo một mực kêu oan. Phiên tòa phúc thẩm cuối cùng cũng được mở sau 5 lần hoãn nhưng vẫn chưa đi đến đâu.
Buộc tội bị cáo bằng... mảnh gỗ trôi trên biển
Theo hồ sơ vụ án, tàu Tiến Thành 26 - Hải Phòng (gọi tắt là tàu Tiến Thành) khởi hành từ xưởng vào khoảng 16h ngày 16/11/2011, ra đến Cửa Đáy (vùng mặt nước giáp ranh giữa tỉnh Ninh Bình và Nam Định) neo đậu chờ nước. Trên tàu có 14 người. Khoảng 4h, tàu xuất phát từ Cửa Đáy, khoảng 40 phút sau ra đến phao số 0. Lúc này, tàu chuyển hướng ra vùng biển Hải Phòng. Đến khoảng 5h, do không chú ý quan sát nên tàu Tiến Thành đâm vào tàu cá TH4707TS của Thanh Hóa làm vỡ và chìm tàu.
Hậu quả làm chết thuyền trưởng tàu cá, 6 người khác bị thương nhẹ. Sau khi gây tai nạn, tàu Tiến Thành không dừng lại để thực hiện các công việc cứu vớt tàu người và tài sản mà tiếp tục hành trình đi Hải Phòng. Có hai người trên tàu cá khi ngoi lên mặt nước đã nhìn thấy cách khoảng 5 - 7m có con tàu mang chữ “TIEN THANH” và “HAI PHONG”.
Ngày 16/2/2012, Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”; Hơn một năm sau mới khởi tố, bắt tạm giam hai bị can là Nguyễn Tiến Trình (SN 1973, Đại phó trực cảnh giới tàu Tiến Thành, trú phường Máy Chai, Ngô Quyền, Hải Phòng) và Nguyễn Văn Tuấn (SN 1984 lái tàu Tiến Thành, trú huyện Nam Trực, Nam Định).
Theo kết luận điều tra của Công an Thanh Hóa, đây là vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xảy ra vào ban đêm, ngoài vùng biển xa, không có nhân chứng, tàu gây tai nạn bỏ chạy, tàu bị chìm không trục vớt được... Dù các bị can không nhận tội nhưng Công an Thanh Hóa “đã có đủ căn cứ khẳng định tàu Tiến Thành gây tai nạn”. Các căn cứ gồm: Lời khai của những người còn sống trên tàu gặp nạn; Khám nghiệm tàu Tiến Thành thấy có nhiều vết chà xát kim loại còn sáng ở hai bên mũi tàu, thu thập chất màu xanh trên thân tàu khác với màu sơn của tàu, giám định kết luận chất này cùng loại với chất màu xanh trên mảnh gỗ vớt được của tàu cá...
Trong phiên xử sơ thẩm ngày 29/4/2014, TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt Trình 4 năm tù, Tuấn 3 năm 6 tháng tù.
5 lần hoãn xử phúc thẩm
Trình và Tuấn liên tục kêu oan, gia đình cũng gửi nhiều đơn thư đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, phiên phúc thẩm liên tục bị hoãn. Sau phiên tòa sơ thẩm cuối tháng 4/2014, bị cáo đã có đơn kháng cáo và ngày 29/9/2014, phiên phúc thẩm được TAND tỉnh Thanh Hóa ấn định nhưng đến phút cuối tòa lại báo hoãn mà không có lý do.
Tính đến ngày 21/1/2016, tòa đã có thêm 4 lần hoãn. Sau 5 lần hoãn, ngày 21/4, phiên phúc thẩm đã diễn ra tại Tòa Cấp cao ở Hà Nội.Luật sư Nguyễn Trọng Quyết, người bào chữa cho hai bị cáo cho rằng, CQĐT không trục vớt tàu gặp nạn và dựng lại hiện trường vụ án; Hai mảnh gỗ vớt được trên biển không chứng tỏ là của tàu gặp nạn; Lời khai của các thuyền viên tàu gặp nạn mâu thuẫn, không thống nhất… vì thế không đủ căn cứ khép tội. Luật sư đề nghị HĐXX tuyên hai bị cáo vô tội, trả tự do ngay tại tòa và tuyên đình chỉ vụ án.
Trong phiên xử diễn ra hơn 4 tiếng, HĐXX cấp phúc thẩm khẳng định, CQĐT đã thiếu sót nhiều thủ tục quan trọng, đặc biệt không trục vớt tàu gặp nạn để khám nghiệm và dựng hiện trường vụ án, chỉ dựa vào những mảnh gỗ do ngư dân vớt được rồi mang giám định để kết luận vụ việc là chưa đủ căn cứ. Do vậy, HĐXX trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại vụ án. |
Luật sư Quyết lập luận, về tọa độ tàu cá neo đậu không có minh chứng, chỉ căn cứ theo lời khai của các thuyền viên là 19051’N - 106011’E là rất khó thuyết phục, bởi tọa độ chính xác như này phải có máy móc, sổ sách ghi lại, người thường rất khó nhớ. Người của tàu cá sau tai nạn hoảng loạn vẫn thống nhất “đọc” được tọa độ chi tiết như vậy là điều bất thường.
Mặt khác, sau khi chìm theo tàu, hai người trên tàu cá ngoi lên mặt nước, cách chân vịt tàu Tiến Thành 5 - 7m mà vẫn có thể sống sót nhìn thấy các chữ trên tàu là vô lý. Bởi chân vịt tàu quay với tốc độ rất lớn, khoảng cách an toàn tối thiểu cho người phải là 40m. “Nếu ở khoảng cách gần như thế, các “nhân chứng” đã chết chắc, làm gì có cơ hội sống trở về khai báo?”, luật sư lập luận.
Đặc biệt, với chứng cứ do CQĐT đưa ra là mảnh gỗ vớt được trên biển (do một ngư dân cùng làng với người nhà tàu cá tên là Dinh vớt được vào ngày xảy ra tai nạn và chủ tàu cá xác nhận là tấm ván của tàu) để mang đi giám định màu sơn với tàu Tiến Thành là không thuyết phục. Tại Biên bản ngày 19/11/2011, ông Dinh khai vớt được ở vị trí tàu cá gặp nạn.
Nói cách khác, mảnh gỗ đã nằm nguyên tại chỗ để... chờ ông Dinh đến vớt. Tại biên bản ngày 15/11/2013, ông Dinh khai vớt được trên đường đi từ vùng biển gần TX Sầm Sơn lên khu vực tàu cá bị nạn và không xác định được tọa độ. Bên cạnh đó, thời gian ông Dinh nộp hai mảnh gỗ có mâu thuẫn, lúc thì khai sau 2 ngày khi xảy ra sự việc, lúc thì khai vào 17h cùng ngày.
Tại phiên sơ thẩm, khi được thẩm vấn, ông Dinh khẳng định nhiều lần là chỉ vớt được 1 mảnh gỗ, sau đó giao cho ông Phạm Văn Nhân (chủ tàu) để ông Nhân giao nộp cho cấp có thẩm quyền. Nhưng đến phần phiên tòa buổi chiều, ông Dinh lại có đơn trình bày là buổi sáng do uống rượu nên khai vớt được 1 tấm ván và giao cho ông Nhân là không chính xác(?!).
Thêm một điều khó hiểu, mặc dù được các cơ quan có chuyên môn về hàng hải khuyến nghị nhưng CQĐT vẫn không khám nghiệm hiện trường và thực nghiệm điều tra. CQĐT biện minh rằng với điều kiện tự nhiên (gió, sóng, dòng chảy... và độ sâu) tại vị trí tàu cá chìm thì không thể trục vớt được; chỉ thu lượm được một số mảnh gỗ của tàu này trôi nổi trên biển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận